Vợ chồng cựu binh hơn 13 năm tình nguyện gác trạm barie cứu người

10:32 | 30/04/2019;
Hơn 13 năm qua, hàng ngày vợ chồng cựu binh Bùi Tiến Đông (SN 1947) và Tăng Thị Liễu (SN 1950), trú tại xóm 15, xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An) vẫn cần mẫn hướng dẫn cho những người dân đi qua đường sắt tàu hỏa một cách an toàn. Nụ cười, sự kính mến của những người qua đường là niềm hạnh phúc lớn lao với vợ chồng cựu binh này.

Ngôi nhà nhỏ gần đường tàu chạy 

Ông Bùi Tiến Đông sinh ra phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Nhập ngũ năm 1970 và trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường B5, đến năm 1975 khi đất nước thống nhất, ông được chuyển về công tác tại trung đoàn 105, QK4 đóng tại Nghệ An. Trong thời gian này, ông gặp và quen bà Tăng Thị Liễu. Bà cũng là một người lính công bình từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào. Cảm phục cô gái trước kia anh dũng nơi chiến trường nay lại kiên cường chống chọi với các đau đớn từ những vết thương trên cơ thể, dù thường xuyên phải nằm viện nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời, ông Đông thường xuyên qua lại thăm hỏi, trò chuyện. Cứ như vậy, rồi chẳng lâu sau, ông và bà nên duyên vợ chồng.

 

2222.jpg
Hơn 13 năm, vợ chồng ông Đông - bà Liễu tình nguyện gác chắn tàu cứu người

 

Thấm thoắt cũng đã hơn 43 năm kể từ ngày đó, ông Đông lấy Nghệ An làm quê hương thứ 2 của mình. Đến năm 1981, ông Đông phục viên trở về sinh sống với gia đình tại xã Nghi Kim. Hàng ngày ông đi làm thợ xây, bà đi buôn bán hàng lặt vặt cùng nhau nuôi 4 người con. Cuộc sống của hai người cựu chiến binh ngày ấy không tránh khỏi vất vả nhưng không lúc nào thiếu tiếng cười và tình yêu thương.

 

Những tưởng, năm tháng cứ trôi qua như vậy, nhưng không ngờ rằng, khi cuộc sống gia đình đã tạm ổn định, những băn khoăn, trăn trở về tiếng còi tàu và các vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngay gần nơi mình đã khơi gợi lại tinh thần của những người chiến binh năm xưa trong ông Đông, bà Tiến để rồi họ quyết định làm một việc mà nhiều người cho là “vác tù và hàng tổng”.

 

Mấy chục năm gia đình ông bà sinh sống ở đây cũng là ngần ấy năm nghe tiếng tàu hỏa chạy xình xịch, tiếng còi tàu hú inh ỏi mỗi ngày. Cũng ngần ấy năm ông cùng người dân nơi đây đã phải chứng kiến bao cảnh thê lương, người gần có, người xa có bởi những cái chết do tai nạn tàu hỏa gây ra.

 

Rồi các công ty về đây mở nhà xưởng, công nhân tứ xứ đến làm, lượng người đi qua tuyến đường ngang này càng đông hơn, những vụ tai nạn tàu hỏa vì thế mà cũng nhiều hơn. Nỗi ám ảnh đó khiến ông day dứt muốn làm một điều gì đó nhưng rồi cũng vì cuộc sống mưu sinh nuôi con cái nên mãi ông chưa thực hiện được.

 

Từ vụ tai nạn thương tâm của cô gái trẻ 

Đến năm 2005, khi đó các con của ông bà đã có công việc, gia đình ổn định thì một vụ tai nạn thê lương nữa lại xảy ra.

 

“Lần đó, mới mùng 8 Tết, cháu gái đó xuống đi làm công ty bật lửa gas gần nhà tôi đi làm nhưng công ty chưa mở cửa. Vì chút bất cẩn khi băng qua đường ngang cắt với đường sắt để trở về nhà mà cháu ấy đã bị tàu hỏa cán không còn nguyên vẹn cơ thể. Cháu gái đó tôi chỉ biết là người ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An nhưng tôi cũng hay gặp cháu đi làm cùng các bạn. Cô bé đó xinh xắn và mồm mép nhanh lắm nên cứ gặp tôi là chào bác. Nhớ lại cảnh khi bạn bè cháu bé đi nhặt từng mẩu thi thể để khâm liệm cho cháu để người nhà khỏi thấy mà xót xa là tôi lại không cầm được nước mắt”, ông Đông bùi ngùi nhớ lại.

 

a.PNG
Ngày ngày vợ chồng cựu binh vẫn lặng lẽ cảnh giới đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu

Vụ tai nạn của cô gái trẻ đó cứ ám ảnh ông suốt cả đêm nên ông đã mạnh dạn nói với vợ sẽ ra đi gác chắn đoạn đường ngang không có barie đó. Những tưởng vợ sẽ phản đối bởi ai sức đâu đi vác tù và hàng tổng lo chuyện thiên hạ.  Nhưng hoàn toàn khác với ông nghĩ, vợ ông đã đồng ý ngay và còn động viên ông nên làm sớm.

 

Bà Liễu lý giải: “Lúc đó, vợ chồng tôi cũng đã già, không làm gì ngoài giữ đứa cháu nhỏ. Mà đã thấy biết bao sinh mạng con người đã phải bỏ mạng nơi đây do đường ngang dân sinh nhưng không có gác chắn thì mình bỏ chút công ra đó cảnh báo mọi người khi có tàu qua có gì là to tát. Tuổi xuân cống hiến cho đất nước còn không tiếc thì tuổi già vì cộng đồng có mất mát gì đâu”.

 

Ngay sáng hôm sau, bà Liễu dậy nấu cho chồng ăn sớm, chuẩn bị áo khoác mũ cho ông ra gác chắn đường tàu không công. Cứ thế ngày qua ngày, suốt hơn 13 năm, bà cần mẫn lo cho ông đầy đủ để ông đi lo việc cho thiên hạ. Ngày nắng chuẩn bị ô, nước, ngày mưa rét chuẩn bị áo khoác, áo mưa. Không những thế, những hôm ông đi vắng hoặc ốm bà lại thay ông ra gác chắn đường tàu.

 

Cách đây hơn ít tháng, ông Đông bị tai nạn giao thông phải nằm viện điều trị. Cũng thời điểm này, ngành đường sắt lắp gác chắn tự động nên ông Đông đã yên tâm hơn để nghỉ ngơi dưỡng thương.

 

“Gác chắn điện tử mới được lắp đặt, tôi cũng phột phần yên tâm. Tuy nhiên, gác chắn không kín hết tôi vẫn e ngại một số người liều lĩnh vượt qua khi tàu chưa đến. Những ngày đầu mặc dù bị chấn thương do tai nạn nhưng tôi vẫn ra gác chắn. Sau một thời gian, thấy mọi người thực hiện nghiêm túc dừng tàu khi barie đã đóng, tôi mới yên tâm ở nhà nghỉ dưỡng được”, ông Đông nói.

 

Dần dà cứ thế, người dân nơi đây cùng hàng nghìn công nhân công ty gần đó hàng ngày quen thuộc khuôn mặt của đôi vợ chồng già này gác chắn đường tàu. Việc làm của ông bà được mọi người cảm phục, ghi nhận. Nhiều công nhân bữa đi làm mang biếu ông ít trà ngon để uống, người mang ít hoa quả. Công ty sản xuất bật lửa gas gần đó thấy việc làm ý nghĩa của vợ chồng ông đã hỗ trợ một phần kinh phí.

 

“Nay đã có gác chắn điện tử nhưng vẫn cảm thấy không yên tâm bằng lúc vợ chồng bác Đông ra gác chắn. Vợ chồng bác ấy cẩn thận lắm, nhớ giờ tàu nào chạy qua đây nên hễ đến giờ đấy chưa thấy tàu ai đi qua hai bác ấy đã nhắc nhở rồi”, chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) - công nhân sản xuất bật lửa gas tại đây - tâm sự.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn