20 năm gắn bó với học sinh thôn bản
Nói đến vợ chồng cô giáo Thanh Hương và thầy giáo Trần Văn Hoàng, người dân ở Bản Liền ai cũng biết. Chị quê Vĩnh Phúc, anh quê Nam Định, gặp nhau ở mảnh đất núi rừng heo hút mà nên duyên. Nếu ai đó nghĩ con số 20 năm là thước đo của một khoảng thời gian dài đằng đẵng, thì anh Hoàng - chị Hương cũng vậy, 20 năm gắn bó với các em nhỏ ở Bản Liền cũng là ngần ấy năm vợ chồng thầy cô giáo đau đáu về quê hương.
Cả hai anh chị đều cùng học ngành Tiểu học tại trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, sau đó vừa dạy vừa tiếp tục học lên đại học. Cô Hương bắt đầu dạy học từ năm 2000, thầy Hoàng bắt đầu dạy học từ năm 1998. Nhớ lại quãng thời gian "lịch sử" ấy, chị không thể nào quên.
Anh Hoàng kể, để dạy học phải đi bộ từ Bắc Hà vào Bản Liền mất 5 tiếng đồng hồ với cung đường gần 30km, mà lương lúc ấy được có hơn 400 ngàn đồng. Trong suốt 6 năm, anh đã "đi mòn" con đường ấy để đến trường dạy học. Khi lấy chị, hai vợ chồng lại cùng nhau đi trên con đường ấy. Bất kể ngày nắng, ngày mưa, gió rét, lạnh…, hai vợ chồng phải dậy từ 2 giờ sáng, đốt đuốc tới trường, đến trưa mới tới nơi, rồi lúc quay về cũng ngần ấy thời gian, khi đêm dần xuống. Khó khăn nhọc nhằn không thể nói bằng vài lời là đủ.
"Ngay cả bây giờ, nhớ cảnh trước kia vợ mang bầu đến ngày sinh mà vẫn cùng mình đi bộ 30 km mỗi tuần từ trường về nhà mà xót xa vô cùng. Vậy mà bọn mình cũng trải qua và 2 lần mang thai, vợ mình đều đi bộ như vậy", thầy Hoàng nhớ lại.
"Cũng có lúc muốn bỏ nghề lắm chứ. Nhưng khi đó cũng tự hỏi nếu mình không cố gắng thì những đứa trẻ ở Bản Liền này liệu có được học hành không? cuộc sống của chúng vẫn mãi tiếp diễn với việc thất học, sinh con đẻ cái sớm, gắn bó với ruộng nương bằng thói quen canh tác cũ, không đủ ăn, đủ mặc, gắn với cái nghèo vì không có kiến thức… Vì thế, hai vợ chồng lại bảo nhau cùng cố gắng", chị Hương ngậm ngùi nhớ lại.
Chị cũng cho biết, ngày trước rất khó khăn, lương không đủ ăn, nhiều lúc phải đi vay mượn gạo của bà con để nấu cơm, khi nào có lương thì trả. Khi sinh con, vợ chồng anh chị bàn nhau gửi con về quê ở Nam Định với ông bà nội. Cho đến nay, đó vẫn là quyết định khó khăn nhất đối với vợ chồng chị.
"Cháu lớn mới 22 tháng, cháu bé mới 18 tháng là cho về quê rồi. Mới đầu chỉ nghĩ gửi con một thời gian, khi nào ổn định sẽ đón con lên, nhưng rồi ngày tháng cứ trôi đi, con cái lớn lên trong vòng tay ông bà nội lúc nào cũng chẳng nhớ nữa. Xót xa lắm nhưng nếu rời bỏ mái trường này thì những đứa trẻ kia, cũng như con mình, chúng sẽ thiệt thòi thế nào? Vậy là mỗi năm chỉ về quê dịp hè và Tết để thăm con. Thỉnh thoảng có đưa các con lên Bắc Hà chơi, có hỏi con có thích ở đây không, thì chúng đều lắc đầu", chị Hương vừa kể vừa rơi nước mắt.
Hiện nay, hai con của anh chị đã học lớp 11 và lớp 8. Cái suy nghĩ "bỏ trường" từ lâu đã không còn xuất hiện trong suy nghĩ của anh chị.
Sự hy sinh của vợ chồng anh chị cuối cùng cũng đạt được những kết quả tốt đẹp, học sinh ở đây chủ yếu là người Tày, người Mông, các con rất ngoan, chăm chỉ đến trường. Ở xã có hơn 400 hộ thì các em học sinh đều đi học đủ. Không chỉ dạy học, anh chị còn dành thời gian đến thăm các hộ gia đình để chia sẻ, động viên con em họ. Cho đến bây giờ, không còn cảnh giáo viên phải đến nhà vận động học sinh đi học như trước kia nữa.
Sau 20 năm cống hiến, vợ chồng thầy giáo Trần Văn Hoàng và cô giáo Trần Thị Thanh Hương đều được các cấp quan tâm, nhiều năm liền được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai khen thưởng về thành tích nâng cao chất lượng giáo dục và Đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Lào Cai.
Từ năm 2000 đến năm 2013, thầy Trần Văn Hoàng đã được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Bản Liền. Riêng năm 2002, thầy phụ trách Trường PTCS xã Bản Liền (gồm cả cấp học Mầm non - Tiểu học và THCS). Đến tháng 9/2013, thầy được bổ nhiệm Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Bản Liền. Kiêm nhiệm Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy xã; Bí thư chi bộ Trường học (là chi bộ ghép cả trường Mầm non và trường PTDTBT TH&THCS tổng số 28 đảng viên).
Tháng 10/2017, thầy được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng của trường liên cấp.
Thầy Hoàng chia sẻ, hai vợ chồng nguyện gắn bó với nơi này đến khi về hưu sẽ trở về Nam Định phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái. Đối với anh chị, tấm bằng khen lớn nhất chính là sự trưởng thành của lớp lớp học sinh rời mái trường, rời xa bản làng để tìm đến những trường lớp cao hơn, học nghề, học đại học, để rồi sau này sẽ tiếp nối thầy cô quay lại xây dựng bản làng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn