Vợ chồng làm căng nhau quá, ích gì

22:01 | 15/10/2016;
Người mà mình yêu thương, đeo đuổi suốt mấy năm ròng, quyết cưới cho bằng được nhưng rồi chỉ vì thái độ quá quắt của mình mà đã khiến người ấy bỏ đi.

“Mất ngủ mấy đêm liền”, bạn tôi nhắn tin. Rồi hắn ta khóa máy. Thật tình, tôi cứ nghĩ có lẽ do công việc nhiều quá, suốt ngày “đánh đu” với chữ nghĩa nên bạn mình bị xì-trét. Vậy hắn đã đưa vợ con tới nơi nào đó nghỉ dưỡng rồi chăng? Đột nhiên, vài ngày sau, lúc nửa đêm, bỗng nghe chuông điện thoại ầm ĩ, tôi hoảng quá. Chuyện gì mà có người lại quấy rầy vào lúc này?

Một giọng nói gấp gáp: “Cậu đến ngay nhà tớ. Có chuyện cần gấp”. Riêng từ “gấp” lặp đi lặp lại những 3 lần. Không thể chần chừ, tôi phải có mặt ngay. Trên đường đi, tôi nghĩ có thể do hắn bị tai nạn, vậy cô vợ đang ở đâu? Đến nơi, đã thấy của ngõ rộng mở. Bước vào nhà, mọi thứ ngổn ngang như một bãi chiến trường. Cả vợ lẫn chồng đều hằm hằm, không ai thèm ngó mặt ai.

Vừa thấy tôi, hắn kêu lên: “Nhờ cậu nói giúp cho một tiếng, cứ tra tấn thế này, thà ly dị còn hơn”. Chuyện gì lại gay go đến vậy? Sau một hồi khuyên can, vỗ về, họ lấy lại bình tĩnh. Qua chuyện trò, tôi mới biết rõ nội tình. Rằng, một ngày nọ, hắn ta thông báo với vợ là đi công tác dăm hôm, “bình thường như cân đường hộp sữa”, có gì nghiêm trọng đâu.

Sự việc trở nên trầm trọng khi người vợ lang thang trên facebook, tình cờ thấy ảnh người bạn khoe đang ngồi ăn sáng tại 1 resort. Phía xa xa, lại xuất hiện cái mặt ai đó y chang chồng mình đang ngồi với 1 cô khác. Do ngờ ngợ, cô bèn điện thoại nhờ bạn dò xét, theo dõi. Trong resort chẳng có bao nhiêu người, dễ chạm mặt ngay thôi. Hơn nữa, nếu cần, cứ hỏi lễ tân là biết ngay cái rẹt. 

Ngày hắn ta về sau đợt đi “công tác”, lập tức trong nhà sóng gió ầm ầm nổi lên. Biết không thể chối cãi với chứng cứ rành rành, hắn “im thin thít như thịt nấu đông”. Đố mà cãi. Tưởng sau trận “long trời, lở đất” ắt biển yên, sóng lặng. Nào ngờ qua ngày hôm sau, hôm sau nữa, kéo dài suốt 1 tuần mà cô vợ vẫn “bổn cũ soạn lại”, hắn chịu hết xiết nên mới cầu cứu tôi đến giảng hòa.

 (Ảnh minh họa)

Nhiều người chồng/vợ cho biết, một khi lỗi lầm bị phát giác, nếu “nửa kia” nhắc nhở chừng mực, chỉ phê bình 1-2 lần rồi bỏ qua thì tốt quá. Còn nếu cố tình “bé xé ra to”, cứ “lèo nhèo như mèo vật đống rơm”, không khéo lại gây “tác dụng ngược”. Ban đầu, “nửa kia” nhận lỗi vì nhận thấy mình sai lè lè ra đó, nhưng cứ đem cái sai ấy ra mà chì chiết, trách móc mãi thì dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực: “Ừ, tôi là thế đấy! Muốn đến đâu thì đến”. Lúc đó, họ cáu quá rồi, trở nên “Chí Phèo”, liều lĩnh, bất chấp. Từ chỗ răn đe “nửa kia” phải “cải tà quy chính”, “tung cách chim tìm về tổ ấm”, lại có nguy cơ đẩy họ đi xa hơn.

***

Khi “tám” chuyện này, mặc cho mọi người tha hồ tranh luận, Bảo vẫn im lặng. Mãi đến lúc chia tay nhau, Bảo kéo tôi ngồi lại và nói khẽ: “Chẳng vui gì khi kể lại chuyện này, nhưng rõ ràng ông bà mình nói đúng: “Già néo đứt dây”. Hồi mới cưới nhau, tớ tin bà xã lắm. Bao nhiêu tiền của đều giao cho vợ quản lý. Đùng một cái, tớ cứ tưởng trời sập”.

Ngày nọ, Bảo hỏi vợ tính toán số tiền đã dành dụm bấy lâu, có đủ đặt cọc mua căn hộ trả góp ở chung cư chưa? Nào ngờ, cô vợ ôm mặt khóc òa lên, sau một hồi nước mắt vắn dài, cô thú thật đã đưa chị ruột vay vốn làm ăn. Cuối cùng, số vốn ấy đã cụt, không biết đến lúc nào mới có thể đòi lại được? “Đồng tiền liền khúc ruột”. Xót lắm. Tiếc lắm. Thế là Bảo nộ khí xung thiên như Tề Thiên Đại Thánh. Lần 1, lần 2, cô vợ khóc lóc nhận lỗi và bàn với chồng cách giải quyết thế nào cho hợp lý. Nhưng rồi chuyện cằn nhằn, trách móc về tiền nong của Bảo cứ diễn ra như cơm bữa.

Cuối cùng, chuyện gì xảy ra?

Bảo trầm tư: “Tớ nhớ thời điểm ấy đã vào mùa mưa, ngoài trời gió thổi mạnh. Sau khi nhẫn nhịn nghe tớ mắng chán chê như mọi lần, bữa ấy, cô ta đứng phắt đậy, mặt lạnh như đá: “Thôi được, vì mất tiền mà anh làm khổ tôi mãi thế này. Tôi sẽ tìm cách trả nợ cho anh. Không thiếu một xu”. Nói xong, cô vụt chạy ra khỏi nhà. Tớ không buồn chạy theo níu vợ lại”. Vài năm sau, vợ của Bảo đi với 1 người đàn ông đến nhà Bảo. Tự tay cô ta đếm rành mạch, trao cho Bảo đúng số tiền đã mất. “Đau nhất là ngay sau đó, họ quay lưng bỏ đi, không thèm chào tớ một lời”, Bảo tâm sự.

Đến giờ, Bảo vẫn còn cảm thấy áy náy, tiếc nuối. Người mà mình yêu thương, đeo đuổi suốt mấy năm ròng, quyết cưới cho bằng được nhưng rồi chỉ vì thái độ quá quắt của mình mà đã khiến cô ấy bỏ đi.

Sự chừng mực, vừa đủ liều lượng bao giờ cũng là phép ứng xử khôn ngoan.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn