Vợ chồng Mai Hương (23 tuổi) và Văn Thiện (29 tuổi) đang có 1 con nhỏ, hiện sống ở Hà Nội. Thu nhập gia đình cô dao động 25-30 triệu đồng/ tháng, vừa đủ để tiêu xài hàng tháng. Vợ chồng cô thường xuyên được ông bà ở quê gửi thực phẩm, vì vậy, mức chi tiêu cho ăn uống khoảng 2,5-3 triệu/ tháng đã bao gồm ăn ở ngoài.
Bên cạnh đó, hàng tháng gia đình cô chi khoảng 5-6 triệu dành cho khoản thuê nhà và điện nước; chi phí dành riêng cho con là 5-6 triệu; tiền trả nợ cửa hàng là 3 triệu; 4 triệu dành cho chi phí đi lại và chi tiêu khi về quê; 1,5 triệu mua quần áo đồ cá nhân cho cả nhà; đình đám khoảng 2,5 triệu, phần còn lại là chênh lệch dự trù. Nếu trong tháng không phát sinh quá nhiều chi phí bất ngờ, khoản tiền còn lại sẽ được Mai Hương cho vào khoản tiết kiệm của gia đình.
"Nhà mình mới mở cửa hàng kinh doanh nên hầu như dành toàn bộ tài chính và thời gian để phát triển cửa hàng. Mặt khác, tụi mình có tính toán mua nhà nhưng đó là kế hoạch trong vòng 5 năm tới. Bởi vì mua nhà cũng cần 1 khoản khá lớn mà số tiền đó gia đình mình muốn dành để đầu tư trước cho nên quyết định thuê nhà".
Vợ chồng Mai Hương mong muốn gia tăng thu nhập trước khi chi tiền mua sắm lớn. Đặc biệt là sau khi có con, ngân sách gia đình tăng đáng kể, do vậy, chỉ tiết kiệm thôi là không đủ, thu nhập cũng phải tăng trưởng theo thời gian. "Sau khi có con, chi tiêu trong gia đình thay đổi hoàn toàn, tăng lên tới 50-70% so với trước khi có thêm những khoản chi cho con như tiêm phòng, thuốc thang, bỉm sữa, học phí, đi viện, quần áo, đồ chơi,... và nhà cũng phải thuê rộng hơn. Để thích nghi với việc có con và những khoản chi lớn thì việc đầu tiên là làm nhiều hơn, và tiết kiệm lại".
Ngoài thu nhập từ kinh doanh, cô cũng có khoản khác như quảng cáo affiliate, tổ chức và đào tạo nhân sự quán cà phê và bán đồ ăn vặt trên các nhóm.
Vì những mục tiêu dài hạn trong tương lai, gia đình Mai Hương đã có rất nhiều thay đổi trong cách chi tiêu. Trước đó, gia đình cô không có kế hoạch tài chính, thường xuyên chi tiêu âm tiền so với thu nhập. Khi không lập ngân sách, đi chợ, đi siêu thị, Mai Hương thường sẽ mua rất nhiều đồ không cần thiết. Bên cạnh đó, cô cũng nhiều lần đặt hàng trực tuyến vô tội vạ, đi ăn ngoài quá nhiều,... dẫn đến mức chi tiêu vượt quá thu nhập, chưa kể đến lúc đó thu nhập của gia đình chưa được cao. Sau một thời gian điều chỉnh, gia đình cô gần như không gặp nhiều vấn đề về việc quản lý chi tiêu.
Mai Hương nhấn mạnh rằng việc lập kế hoạch tài chính rất quan trọng vì nó giúp cân đối và biết trước được hạn mức tiêu dùng của gia đình. Bên cạnh đó, để tránh chi tiêu phung phí, cô chia các khoản chi làm 2 trường hợp - đó là những khoản chi cho nhu cầu và chi để "mua vui". Với những khoản chi để đầu tư phát triển bản thân và sức khoẻ ví dụ sách, tập gym, đi học thêm các mảng cần thiết cho công việc, cô thường sẽ không "tiếc tiền" mà chi tiêu khá thoải mái. Đầu tư vào bản thân là khoản chi tiêu "tiền đẻ ra tiền" hiệu quả nhất. Ngược lại, những khoản chi "mua vui" như là đi ăn ngoài hay quần áo, cô sẽ cân nhắc xem nó có thật sự hữu ích trong tương lai không.
"Hiện nay, gia đình mình gần như không có tiết kiệm vì vừa mới bắt đầu kinh doanh. Điều này khiến mình khá lo lắng vì có thể sẽ có những trường hợp bất trắc xảy ra cần đến số tiền lớn. Hơn thế nữa, khi không có khoản tiết kiệm thì làm gì mình cũng cần cân nhắc kỹ và có khi bị tuột mất cơ hội cũng như có khả năng mắc vào các khoản nợ xấu. Do vậy, mình vẫn nghĩ rằng các gia đình nên cố gắng để tiết kiệm được một khoản phòng trừ những trường hợp rủi ro. Hơn thế nữa, trước khi có con, mọi người nên lên kế hoạch chi tiêu trước để có sự chuẩn bị tốt nhất vì như mình đã đề cập trước đó, các khoản chi có thể tăng lên rất nhiều", Mai Hương chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn