Vì không còn trẻ, vì từng chứng kiến nhiều trục trặc, khúc mắc trong các cuộc hôn nhân của bạn bè nên họ rất “tỉnh táo” trong cuộc hôn nhân của mình. Vợ chồng họ thỏa thuận, mọi thứ có thể chung nhưng kinh tế phải riêng và sòng phẳng. Chồng lo tiền sữa, vợ lo tiền học cho con. Chồng lo tiền điện, nước, vợ lo tiền chợ búa. Những đồ đạc cần sắm sửa trong nhà thì “cưa đôi”. Chồng lo “đối ngoại” với gia đình nhà vợ bằng tiền của… vợ. Ngược lại, vợ cũng biếu bố mẹ chồng, mua sắm quà cáp cho người nhà nội từ tiền của chồng…
Cuộc sống những năm đầu diễn ra rất bình yên, vì họ đều chấp nhận sự sòng phẳng này. Gia đình hai bên đều hài lòng với chàng rể, con dâu vô cùng quan tâm, chăm lo cho bố mẹ vợ, bố mẹ chồng.
Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng trở nên khó khăn, cuộc sống của họ không còn yên bình nữa. Thu nhập của chị bị cắt giảm một nửa, chị ngỏ ý nhờ anh hỗ trợ thêm tiền chi tiêu trong gia đình nhưng anh… làm ngơ. Dù hậm hực, nhưng chị đành chấp nhận tằn tiện để vẫn có thể lo nửa số tiền trong gia đình.
Thời gian gần đây, công ty của chồng gặp khủng hoảng. Thương lượng với vợ để giảm tiền phải nộp hàng tháng không được, ngay lập tức, anh nhắc đến chuyện ly hôn vì chị “học anh” theo cách: Phần của ai, người ấy lo.