Mỗi buổi chiều tại ngã ba chợ Yên Phụ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội), nhiều người đã quen với hình ảnh ông già mù ngồi ở góc đường bán những chiếc chổi đót. Dáng ông hao gầy, tay níu chặt giá đồ treo những chiếc chổi, đó là ông Thụ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, người đàn ông ấy niềm nở chào. "Cả chiều ông mới bán được một cái chổi", ông Thụ chia sẻ về tình hình bán hàng chiều hôm ấy. Ngày nào đắt hàng ông bán được 7-10 chiếc, hôm ế ẩm thì chỉ 1-2 chiếc chổi nhẹ đi trên giá hàng của ông. Ông Thụ đã làm và bán chổi đót hơn 30 năm. Ngày trước, mắt ông còn thấy mờ mờ, ông đẩy xe đến chợ Đồng Xuân, hồ Gươm rồi đi bán rong quanh 36 phố phường.
Trước đây, bà Mai cũng theo chồng đi bán chổi. Nhiều người dân Yên Phụ đã quen với hình ảnh hai vợ chồng mù cầm tay nhau, chống gậy đi bán chổi. Mấy năm gần đây, bà bị đau chân nên không thể đồng hành cùng chồng. Bà ở nhà làm chổi và lo cơm nước cho gia đình.
Khoảng 15h, trong căn nhà nhỏ ở ngõ 35 phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội), bà Mai lấy chổi từ trong góc ra sắp xếp, còn ông Thụ đang buộc lại cán bằng những sợi thép. Tay lần theo bức tường đi đến chỗ gánh hàng trong góc nhà, ông móc lên những cây chổi vừa làm chuẩn bị ra chợ bán.
Bà dặn ông lấy áo khoác mặc vào cho ấm kẻo chiều về, trời trở gió lại cảm lạnh. Bà còn lật đật vào bếp lấy cho ông một chai nước bỏ vào túi mang đi. Bà kể, nhiều người đi đường hay khách mua hàng thương ông, đôi khi mua cho ông dây sữa hoặc túi hoa quả nhưng ông đều từ chối vì không muốn phiền đến mọi người.
"Vợ chồng tôi tuy tàn tật nhưng vẫn còn sức lao động thì cứ phải làm việc. Ông đi làm không phải để kêu gọi lòng thương của mọi người, làm việc có sức khỏe lại có thêm thu nhập", bà Mai tâm sự.
Ông Thụ dò dẫm qua con ngõ nhỏ để ra đường lớn bằng cây gậy đã theo mình bao năm tháng. "Tôi đi nhiều nên quen, quen từng góc đường. Chỗ nào sang đường, chỗ nào rẽ tôi đều nhớ hết nhưng mắt không thấy, không dám đi nhanh, sợ va vào người khác", ông Thụ kể.
Sau khi chuẩn bị cho chồng đi bán hàng, bà Mai trở vào căn bếp quen thuộc lo bữa cơm tối. Ngày hai bữa, bà Mai cũng lo được đôi phần. "Tôi cắm cơm, sơ chế rau quả rồi lát về con gái nấu đồ ăn là xong", bà Mai kể. Bữa trưa chỉ có 2 vợ chồng bà và cháu gái, chiều về thì cả nhà đông đủ, thêm cháu trai và vợ chồng con gái cùng ăn bữa cơm gia đình.
Để có được như ngày hôm nay, ông bà không thể nào quên được khó khăn ngày trước khi gia đình cấm cản. "Mẹ tôi nói hai đứa không nhìn thấy gì, lấy nhau về chỉ khổ cả đời, rồi lấy gì mà ăn. Tôi chỉ nói, chúng con đã hợp nhau rồi bố mẹ để chúng con quyết định", ông Thụ nói.
Về chung nhà, hai vợ chồng chịu khó làm ăn, mưu sinh bằng nhiều nghề như làm tăm, làm nhựa, bán chổi. Mỗi tháng, tiền kiếm được hai vợ chồng đưa cho mẹ chồng đong gạo. Bà Mai nhớ lại, trước đây khi mới về nhà chồng, nhà thì rộng, bà chưa quen nên thường xuyên vấp váp.
Đến nay, mọi ngóc ngách trong căn nhà bà đều thân thuộc. Từ phòng khách ra đến nhà bếp rồi lên cầu thang, bà cũng đi lên đi xuống nhanh thoăn thoắt. Ngôi nhà nhỏ nhưng mọi thứ luôn gọn gàng, sạch sẽ. Công việc trong nhà, cả ông và bà đều cùng nhau làm.
Bà Mai nói: "Nhờ có ông cùng làm nên mọi việc trong nhà cũng bớt khó khăn hơn". Bà rửa bát thì ông đứng bên cạnh úp bát vào giá, mỗi người một tay, chẳng mấy chốc công việc đã xong xuôi.
Đôi vợ chồng già tuy sống trong "bóng tối" nhưng chưa bao giờ ngơi tay ngơi chân. Thương con đồng lương ít ỏi, lại phải nuôi hai con nhỏ ăn học, ông bà cố làm để phụ con đồng ra đồng vào.
Đứa cháu có hoạt động ngoại khóa ở trường không được bố mẹ cho tham gia cùng bạn bè nên phụng phịu, hờn dỗi. Thương cháu, ông Thụ lại lấy ra gần 300 nghìn đồng mình tiết kiệm được để cháu được vui chơi cùng bạn bè. Ông bà đã chăm lo cho người con gái của mình được ăn học đến nơi đến chốn.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình mình, chị Thủy học giỏi, chăm ngoan. Mỗi lần đi họp phụ huynh, được cô giáo nhận xét tốt về con gái, bà Mai cũng cảm thấy vui lòng. Đến nay, chị có công việc kế toán ổn định, có thể chăm lo cho bố mẹ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, cả hai ông bà đều mắc. Tình trạng của bà Mai chuyển biến xấu, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm, chị Thủy xin vào viện chăm sóc mẹ. Những hôm trời lạnh, bữa cơm nguội ngắt, hai mẹ con cố gắng ăn và động viên tinh thần nhau. Những tưởng bà Mai bước vào cửa tử nhưng may mắn tình trạng của bà đã trở lại ổn định.
Đang nói chuyện, bà Mai lại ho lên từng cơn. Bà lấy ra mấy viên thuốc uống để khỏi những cơn ho khan. Ốm đau tuổi già là điều không tránh khỏi nhưng niềm hạnh phúc trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng già thì chưa vơi đi phút giây nào.
40 năm đồng hành cùng nhau, có vất vả nhưng "ánh sáng" của sự yêu thương là thứ họ luôn cảm nhận thấy khi ở bên nhau. Bà Mai chia sẻ: "Với người khuyết tật như chúng tôi, có được gia đình hạnh phúc như này là quá mãn nguyện rồi. Mấy chục năm rồi chúng tôi vẫn cùng nhau cố gắng mỗi ngày, được ông ấy yêu thương mới thấy mình đã chọn đúng người".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn