Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật, NSND Vương Linh và NSND Đặng Hùng đã trở thành biểu tượng sống động của làng múa Việt Nam. Không chỉ ăn ý trên sàn diễn, họ còn là một cặp đôi với tình yêu tuyệt đẹp trong giới nghệ sĩ.
"Năm 1980, nhóm gồm 4 người, trong đó có tôi và Vương Linh bay sang Nga để chuẩn bị khóa học 6 năm. Khi máy bay dừng tại Nga, do thay đổi khí hậu nên tôi bị ốm và được đưa vào bệnh viện, còn 3 bạn trong nhóm bay tiếp tới Kiev để học tập.
Thời gian hơn 10 ngày sống trong bệnh viện không người thân, không bạn bè, tôi rất buồn và không thấy tương lai hy vọng nào cho những ngày sắp tới. Cho đến khi được ra viện và tới Kiev, người đầu tiên tôi gặp ở kí túc xá là Vương Linh.
Cô ấy rất ân cần và câu đầu tiên Linh hỏi tôi là anh có đói không? Có muốn ăn gì không? Khi đó, tôi nói anh chỉ thèm 1 bát cơm. Và lúc đó, Linh rất sốt sắng xuống bếp của kí túc xá nấu cơm và mua 1 khúc giò kho lên với nước mắm.
Tôi đã ăn bát cơm đó trong nước mắt. Nước mắt chảy với niềm hạnh phúc và lúc đó, tôi nghĩ tới tình cảm và hôn nhân thực sự với Vương Linh. Tôi trộm nghĩ, đây sẽ là người phụ nữ của gia đình, mình phải có được cô ấy", NSND Đặng Hùng nhớ lại.
Còn NSND Vương Linh thì chia sẻ, cho đến bây giờ, đã ngót nửa thập kỷ ở bên nhau, hai vợ chồng vẫn như hai người bạn. Họ hiểu nhau nên mỗi ánh mắt của đối phương đều có thể đọc được tâm tư, suy nghĩ.
"Đặng Hùng rất hài hước nhưng trong công việc, bao giờ anh ấy cũng điềm đạm hơn tôi. Mặc dù là một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng khi đứng trên sân khấu, nếu không nhìn thấy anh ấy phía dưới sân khấu hay đứng sau cánh gà thì tôi cảm thấy chênh vênh lắm.
Đặng Hùng tinh tế và tỉ mỉ, chỉ cần tôi muốn uống nước, không cần tôi nói ra thì đã thấy anh ấy chuẩn bị sẵn rồi", NSND Vương Linh hạnh phúc nói về "nửa kia" của mình.
Vương Linh sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố mẹ của bà công tác ở Đoàn ca múa Quân đội, thường đi biểu diễn ở nước ngoài. Vương Linh thuộc tất cả bài hát của bố mẹ, các điệu múa của các cô chú trong Đoàn.
Ngay cả vở "Xô Viết Nghệ Tĩnh", vở múa đầu tiên của Đoàn ca múa Quân đội, Vương Linh cũng múa thành thục. Vì vậy, bố mẹ của bà khẳng định sau này bà sẽ theo nghệ thuật.
Quả nhiên, Vương Linh sớm bén duyên với nghề nhưng con đường ấy chưa bao giờ bằng phẳng bởi cũng như bố mẹ mình, bà lớn lên trong chiến tranh, ký ức vẫn in đậm hình ảnh của những tháng ngày bom đạn.
"Bà ngoại đi bán máu để nuôi con, nuôi cháu. Tôi ăn cháo để vào được trường múa", NSND Vương Linh nghẹn ngào chia sẻ.
Gặp nhau ở trường múa Việt Nam năm 1972, gắn bó và hỗ trợ nhau trong từng bước trưởng thành trong nghề, nghệ sĩ Vương Linh và Đặng Hùng đã trở thành đôi bạn đồng hành, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong cuộc sống. Sau những năm tháng được đào tạo tại Nga, cả hai trở về nước, cưới nhau vào năm 1983. Từ đó, hành trình nghệ thuật của họ không ngừng phát triển.
Với NSND Đặng Hùng, thời chiến tranh ấy, ông còn không biết múa là gì. Khi chị gái ông thấy trường múa Việt Nam tuyển sinh liền rủ em trai theo cùng. Từ suy nghĩ ban đầu "múa chỉ dành cho con gái", Đặng Hùng cũng không biết mình bén duyên với múa từ khi nào.
Chọn ở lại Việt Nam và dâng hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật múa, cặp vợ chồng nghệ sĩ Đặng Vương Linh và Đặng Hùng đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó, họ đều được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2015.
Để có được những hào quang ấy, họ đã âm thầm cống hiến cho nghệ thuật múa Việt Nam. Cặp vợ chồng từng phải xa con gái khi mới 3 tuổi, rời Hà Nội vào miền Nam biểu diễn để có tiền nuôi con.
Năm 1995, hai nghệ sĩ Đặng Hùng, Vương Linh sáng lập đoàn múa "Những ngôi sao nhỏ" - nơi đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng sau này. Từ đây, những "hạt mầm" múa nảy nở, nổi bật là Linh Nga và Thuỳ Chi.
Đoàn "Những ngôi sao nhỏ" góp phần thổi bùng nghệ thuật múa tại miền Nam. Đặc biệt là Linh Nga, con gái đầu lòng của vợ chồng nghệ sĩ Vương Linh và Đặng Hùng. Cô đã tiếp nối truyền thống gia đình và gặt hái nhiều thành công.
Mới 30 tuổi, Linh Nga đã nhận danh hiệu NSƯT - niềm tự hào không chỉ nằm ở danh hiệu mà còn ở việc Linh Nga đã tiếp tục sứ mệnh gìn giữ, phát huy di sản nghệ thuật của cha mẹ.
Làm việc cho Nhà hát Bông Sen, NSND Vương Linh, NSND Đặng Hùng bắt đầu đào tạo và dìu dắt đội ngũ nghệ sĩ múa kế thừa trên nguyên tắc chuyên nghiệp, chính quy và mang đậm chất dân tộc.
Điều đó đã đem lại cho Nhà hát 2 kỷ lục Guiness, đó là "Chương trình nghệ thuật về sen đặc sắc nhất"; "Nhà hát đào tạo được lực lượng nghệ sĩ múa nhiều nhất Việt Nam". Những kỷ lục ấn tượng này đã đưa tên tuổi của Nhà hát vươn tầm quốc tế, cùng với đó đã tạo ra một đội ngũ nghệ sĩ tài năng.
Là người kế thừa sự nghiệp của gia đình, NSƯT Linh Nga cũng từng bước đưa Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen đến với những đỉnh cao mới.
Giờ đây, bên cạnh những giờ đứng lớp "truyền lửa" cho thế hệ trẻ, NSND Vương Linh và NSND Đặng Hùng đã có thể dành thời gian cho bản thân, gặp gỡ những người bạn cũ để ôn lại kỷ niệm một thời.
Đối với họ, tình yêu và "ngọn lửa" nghệ thuật vẫn còn cháy sáng và được truyền cho thế hệ sau. Múa không chỉ là máu thịt mà còn là di sản mà họ để lại như một tình yêu bất diệt dành cho nghệ thuật múa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn