Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu

17:08 | 18/01/2016;
Bao năm qua, có lúc cực quá chị Kiều cũng than thân trách phận. Nhưng nhớ về những ngày hạnh phúc, nghĩa tình vợ chồng lại thắp sáng trong tâm hồn chị.
Căn nhà của chị Lâm Thị Thanh Kiều (ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) hơn chục năm qua được xây trên phần đất cho mượn của một người hàng xóm tốt bụng. Bốn bề lợp bằng mái tôn cũ kỹ nên trời nắng thì nóng như đổ lửa, trời mưa thì ẩm ướt, lạnh thấu cả xương.

Biết nhau trong cảnh hàn vi, chị Kiều thương người đàn ông gần nhà - tên Huỳnh, bởi cái tính siêng năng, hiền lành, chất phác. Hạnh phúc ngập tràn khi gia đình nhỏ có thêm những tiếng khóc của trẻ thơ. Đó là niềm vui lớn nhưng cũng nhiều nỗi lo toan.

Lên 5 tuổi, đứa con gái lớn của chị bị bệnh viêm não Nhật Bản, trí óc chậm phát triển hơn so với tuổi. Cùng lúc đó, chị mắc bệnh tiểu đường, đau ốm liên miên nên nên cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Thương vợ con, buổi sáng sớm, anh Huỳnh dậy sớm đi làm phụ hồ, chiếu tối thì bưng tôm cá cho thương lái, đến tận 2 giờ sáng mới về đến nhà. Dù làm việc vất vả, đôi bàn tay, bàn chân dần lở loét hết vì thường xuyên bị vảy cá đâm vào, song anh chưa lần nào than vãn, kể khổ cả.

Gia đình của chị Kiều

Chiều 28 Tết Nguyên đán 2013, tai họa bỗng ập xuống bất ngờ, làm đổi thay cuộc sống đang dần ổn định của tổ ấm này. Trên đường đi làm về, anh Huỳnh bị chiếc xe tải vượt ẩu tông mạnh vào người. Chị Kiều bàng hoàng nhận tin sét đánh ngang tai: chồng bị chấn thương sọ não nặng.

Trong bệnh viện, nhìn chồng nửa tỉnh, nửa mê, tâm can chị rối bời. Nhà nghèo, cái ăn, cái mặc còn phải xoay xở từng ngày nên để lo 40 triệu đồng chi phí phẫu thuật, chị Kiều đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, thậm chí “bí đường” cũng đành ngửa tay xin hàng xóm láng giềng từng đồng bạc lẻ.

Cuộc phẫu thuật thành công khiến chị Kiều mừng rỡ, thở phào nhẹ nhõm. Tuy thoát chết nhưng trí não anh Huỳnh lại bất bình thường, ngô nghê như một đứa trẻ con. Mỗi khi lên cơn, anh không thể ý thức được việc làm của mình nên đập phá hết đồ đạc trong nhà và đuổi đánh cả vợ con.

Cũng từ khi đó, chị Kiều trở thành trụ cột gia đình. Đến giờ, chị vẫn nhớ như in cái ngày đưa chồng trở về nhà: nợ nần chồng chất, con thì nhỏ dại. Việc làm thuê không thiếu, nhưng chẳng ai chăm chồng, giữ con cho chị đi làm cả. Chị cứ loay hoay mai gửi con người này, mốt gửi con người nọ, chỉ dám nhận việc làm thuê gần nhà để buổi trưa còn tranh thủ chạy về cho chồng con ăn uống, rồi tranh thủ pha nước rửa chén để bán rồi đến cả bưng bê quán ăn, bốc vác nữa… Ngày nào, chị Kiều cũng làm đến tận nửa đêm mới được ngả lưng xuống.


Hằng ngày, chị Kiều pha nước rửa chén bán dạo kiếm tiền lo cho chồng con.

Thấy chị chịu nhiều khổ cực, có người xúi”: “Bỏ chồng đi. Nuôi là khổ cả đời”. Dù đã thấy phía trước cuộc đời tất cả đều là tối tăm, mịt mù nhưng mỗi khi nhớ về những ngày hạnh phúc bên chồng, bên các con thơ, những đêm anh Huỳnh đi làm cực nhọc để kiếm thêm thu nhập thì cái nghĩa tình vợ chồng như thắp sáng trong tâm hồn chị. Lòng chị dịu lại và thấy thương chồng nhiều hơn.

Các buổi chiếu tối, chị Kiều thường dìu chồng đi dạo cho khuây khỏa. Gió sông dịu mát cũng khiến gương mặt anh Huỳnh bớt đi vẻ ngây dại. Chị kể, có lúc tỉnh táo, chồng đã khẽ vuốt mái tóc chị rồi nói giọng đơ đớ: “Tối trước, anh lỡ tay đánh em. Có gì em cứ đánh lại nhé. Đừng có bỏ anh”. Chị nghe vậy, những muộn phiền chợt tan biến hết, đôi mắt bỗng rưng rưng: “Vợ chồng là nghĩa tào khang, làm sao bỏ nhau được”.

Hiện, nguồn sống chính của gia định chị là nghề pha nước rửa chén để bán dạo quanh xóm. Bà con thương cảm nên không những ủng hộ nhiệt tình mà còn tặng đồ, khi thì cân đường, lúc thì đôi dép, bộ quần áo mới… Điều chị mừng nhất là đến nay, bệnh tình của chồng đã dần ổn định hơn trước. Thấy chị đi làm về thì anh cười toe toét, không còn khó chịu như trước nữa. Tối đến, bữa cơm gia đình đạm bạc nhưng ấm cúng, dù đôi khi những lời nói của mẹ con chị Kiều chỉ được đáp lại bằng những câu nói, nụ cười ngô nghê.


Dù khó khăn, hoạn nạn nhưng vợ chồng chị Kiều vẫn nghĩa nặng, tình sâu.

Như hiểu được sự vất vả của mẹ nên hai con của chị Kiều rất ngoan ngoãn. Ngoài giờ học trên lớp, tụi nhỏ còn tranh thủ làm mọi việc trong nhà và chăm sóc cha. Chị tâm sự: “Lúc trước khổ quá cũng đôi ba lần than thân trách phận, nhưng rồi ngẫm nghĩ lại, thấy mình có than vãn cũng không giải quyết được gì, trong khi mình vẫn có chồng con bên cạnh. Nghèo khó, bệnh tật mà cả nhà vẫn thương yêu nhau như vậy là còn hơn nhiều người rồi”.

Mỗi lần đi chợ về, chị Kiều thường mang theo một giống cây để trồng, khi thì mãng cầu, khi thì cây ổi, cây mít. Mảnh vườn nhỏ nằm gần mé bờ sông được chăm bón tốt ngày càng ra hoa, đơm trái. Chị Kiều cũng tin rằng có ngày chồng sẽ khỏi bệnh và cùng chị vượt qua cơn bão tố của cuộc đời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn