Thùy Dương (25 tuổi) cùng chồng bằng tuổi hiện đang sống tại TP Đà Nẵng. Tổng thu nhập của vợ chồng cô mỗi tháng là 60 triệu đồng. Ngoài khoản tiền trả góp hàng tháng, cô và chồng vẫn có tiết kiệm, dành phần đầu tư, tài chính gia đình khá thoải mái.
Cùng gặp Thùy Dương để hiểu hơn về cách cô bạn lên kế hoạch và quản lý chi tiêu gia đình.
Gia đình Thùy Dương áp dụng công thức cho chi tiêu chính là: Thu nhập - Tiết kiệm = Khoản chi tiêu. Sau khi nhận lương và trước lúc lập ngân sách, cô sẽ tự động trích 10% tức 6 triệu đồng cho tiết kiệm.
Khoản tiết kiệm này được chia ra 3 phần. 2 triệu cho vào sổ tiết kiệm. 1 triệu nuôi heo đất, đây là thói quen của vợ chồng cô cũng như đề phòng trường hợp cần tiền mặt gấp. 3 triệu để dành cho con, “bọn mình dự định sẽ có em bé vào năm 2023 nên muốn chuẩn bị tài chính từ giờ để nuôi dạy con tốt nhất có thể”.
Sau khi trừ phần tiết kiệm, đều đặn mỗi tháng gia đình cô sẽ dùng 15 triệu đồng để đầu tư. Khoản tiền kiếm được từ đây sẽ đầu tư xoay vòng. Bên cạnh đó, mỗi tháng sẽ trả cố định 20 triệu cho việc trả góp nhà, và 4 triệu với 2 gói bảo hiểm nhân thọ.
Như vậy, gia đình cô sẽ mỗi tháng sẽ còn 15 triệu đồng để chi tiêu.
Trong khoản tiền ăn uống, gia đình Thùy Dương hầu như đều tự nấu. Cô thường sẽ cân nhắc giữa giá cả ở siêu thị và chợ để mua được đồ tươi ngon mà vẫn vừa tiền. Khu vực gia đình cô sống có chợ nên cũng dễ dàng để đi mua hơn.
Buổi sáng Thùy Dương cùng chồng thường uống sinh tố rau và sữa hạt hoặc các món ít chế biến, chủ nhật sẽ đi ăn sáng ở ngoài. “Buổi trưa chồng mình ăn ở công ty giá 50 nghìn/phần. Buổi tối thay vì dọn mâm cơm thì bọn mình chuyển qua ăn trong đĩa theo tỷ lệ. Mỗi người sẽ ăn hết phần ăn của mình, không có thức ăn thừa và không tốn nhiều thời gian dọn dẹp”.
Để kiểm soát cũng như theo dõi chi tiêu, cô có sử dụng ứng dụng chi tiêu trên điện thoại. Như vậy, bản thân sẽ biết rõ số tiền đang kiếm được và cách tiêu nó chính là đang tôn trọng đồng tiền mình làm ra. Việc ghi lại các khoản chi cụ thể sẽ giúp phân biệt khoản nào là cần thiết khoản nào có thể giảm được từ đó điều chỉnh cho hợp lý.
Có thể thấy chi phí sinh hoạt của gia đình Thùy Dương chỉ chiếm 25% tổng thu nhập. Cô chia sẻ rằng để có thể giữ khoản tiền này ở mức trung bình, không bị lạm phát tăng theo thu nhập, Thùy Dương cùng chồng có một số nguyên tắc luôn tuân theo.
Đầu tiên, cô chỉ mua sắm vào những ngày cố định. Vào đợt giảm giá lớn đầu tháng, các trang thương mại điện tử đưa ra nhiều ưu đãi từ đồ dùng đến thực phẩm, tiết kiệm được kha khá. Để không bị mua sắm quá tay, cuối tháng cô sẽ dọn dẹp kiểm kê lại đồ dùng trong nhà và viết ra những thứ cần mua theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, danh sách có 10 món, cô sẽ ưu tiên 5 món đầu cần gấp trước, những khoản chi khác có thể cân nhắc vào tháng sau.
“Mình chỉ tìm những món bản thân cần, so sánh giá, xem đánh giá giữa các cửa hàng rồi chọn 2 nơi uy tín để sẵn trong giỏ hàng. Trước ngày hội giảm giá, mình sẽ kiểm tra lại giỏ hàng 1 lần nữa và bỏ đi những món chưa cần thiết. Tới ngày mình chỉ việc chọn nơi bán có giảm giá lớn để tiết kiệm nhất có thể”.
Hiện nay, nhiều người lựa chọn dùng thẻ tín dụng để thanh toán dễ dàng hơn. Tuy nhiên, gia đình Thùy Dương hoàn toàn không sử dụng hình thức “mua trước trả sau” này vì nhận thấy bản thân chưa đủ kỹ năng và kiến thức để sử dụng nó hiệu quả.
“Việc mua trước trả sau, vay nợ tiêu dùng với mình như 1 quả bom nổ chậm. Thanh toán quá nhanh sẽ làm mình dễ mua sắm bốc đồng hơn’’. Do vậy, để không phải đối diện với những rủi ro tiềm ẩn này, cô quyết định không sử dụng thẻ tín dụng.
Bên cạnh đó, Thùy Dương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết cách từ chối khéo léo để bảo vệ túi tiền của mình. Cô cho rằng nhiều người thường có thói quen cả nể và bởi thế, suy nghĩ cũng như quyết định sẽ luôn bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, chẳng hạn, mua sắm những món đồ không cần thiết.
Cuối cùng, chi tiêu tự thưởng bằng những món đồ đắt tiền không có gì sai, nhưng hãy suy nghĩ xem bản thân có thể dùng nó bao nhiêu lần và liệu có xứng đáng với số tiền đã bỏ ra hay không.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn