Chồng không thể đáp ứng được "nhu cầu" của vợ
ThS.BS Bùi Văn Lợi, Phòng M3 Viện Sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, cho hay "cuồng yêu" hay cuồng dâm (ham muốn tình dục quá mức) có thể để lại rất nhiều hậu quả khác nhau.
Thứ nhất, "cuồng yêu" sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ thể chất.
Thứ hai, người bệnh sẽ gặp phải những vấn đề về tâm lý như lo lắng, băn khoăn có thể dẫn tới các bệnh lý về sức khoẻ tâm thần.
Thứ ba, về mặt xã hội, "cuồng yêu" sẽ ảnh hưởng tới công việc, với sinh viên ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Thứ tư, nhiều trường hợp ham muốn tình dục quá mức còn dẫn tới những hành vi không chuẩn mực với đạo đức, vi phạm pháp luật.
Trong quá trình tiếp nhận khám cho bệnh nhân, bác sĩ Lợi cũng đã từng trò chuyện với một bệnh nhân có vợ cũ có nhu cầu "yêu" quá mức. Do không thể đáp ứng được cho vợ, người chồng này đã phải chia tay.
Theo bác sĩ Lợi, khi trò chuyện với bác sĩ, nam bệnh nhân có phàn nàn về việc trước đây vợ cũ có ham muốn tình dục quá mức. Đặc biệt, trong khi "yêu", người vợ cũng có những hành vi quá mức, không phù hợp. Do đó, hai vợ chồng thường xuất hiện những mâu thuẫn.
Về phía người vợ cũ do ham muốn tình dục luôn thôi thúc nên cũng không duy trì được những chức năng chăm sóc gia đình và bản thân, công việc, các mối quan hệ xã hội khác. Sau đó, cặp vợ chồng đã chia tay nhau.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Phương Mai - Phó phòng M3, Viện Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), tình dục ở con người ngoài ý nghĩa duy trì nòi giống còn có vai trò giải tỏa tâm lý, xây dựng/duy trì mối quan hệ.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khoẻ tình dục là một trạng thái của thể chất, tâm thần và xã hội liên quan đến tình dục. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận tích cực và tôn trọng đối với các mối quan hệ tình dục, cũng như khả năng có những trải nghiệm tình dục thú vị, an toàn, không bị ép buộc, phân biệt đối xử và bạo lực.
Nhiều tài liệu y học cổ nhắc đến những hành vi tình dục kì dị, bị cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục hoặc đi ngược với đạo đức con người.
Trong y học hiện đại, rối loạn hành vi tình dục được nhắc đến đầu tiên vào năm 1886 trong cuốn Psychopathia Sexualis của Krafft Ebing - nhà tâm thần/tình dục học - với hàng loạt các rối loạn tình dục được mô tả chi tiết, trong đó có chứng cuồng dâm.
TS Mai cho biết: "Xu hướng tình dục quá mức (cuồng dâm) gặp ở cả 2 giới, thường cuối tuổi thanh thiếu niên, đầu tuổi thành niên".
Khi nào được gọi là cuồng dâm
Để phân biệt một người có ham muốn tình dục cao với chứng cuồng dâm, TS. Nguyễn Thị Phương Mai cho rằng một người được cho là cuồng dân sẽ có một trong những đặc điểm dưới đây:
- Người đó thường tham gia vào hành vi tình dục lặp đi lặp lại đến mức bỏ bê sức khoẻ và chăm sóc cá nhân hoặc các sở thích, hoạt động, trách nhiệm khác.
- Cá nhân đã thực hiện nhiều nỗ lực không thành công để kiểm soát hoặc giảm đáng kể hành vi tình dục lặp đi lặp lại.
- Cá nhân tiếp tục thực hiện hành vi tình dục lặp đi lặp lại bất chấp hậu quả bất lợi (ví dụ: xung đột hôn nhân do hành vi tình dục, hậu quả tài chính hoặc pháp lý, tác động tiêu cực đến sức khoẻ).
- Tiếp tục tham gia vào hành vi tình dục lặp đi lặp lại ngay cả khi nhận được ít hoặc không có cảm giác thỏa mãn từ hành vi đó.
- Không kiểm soát được các thôi thúc hoặc thôi thúc tình dục mãnh liệt, lặp lại và dẫn đến hành vi tình dục lặp lại trong 1 khoảng thời gian dài (6 tháng trở lên).
- Hành vi tình dục lặp lại dẫn đến đau khổ rõ rệt hoặc suy giảm nghiêm trọng cho cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực hoạt động quan trọng khác.
- Một số người sẽ thủ dâm để thoải mãn ham muốn, sử dụng nội dung khiêu dâm, cybersex (quan hệ tình dục trên internet), quan hệ tình dục qua điện thoại và các dạng hành vi tình dục lặp đi lặp lại khác.
Để điều trị cuồng dâm người bệnh sẽ được giáo dục về tình dục nhằm mục đích bình thường hóa trải nghiệm của mỗi cá nhân và giảm bớt lo lắng.
Theo TS Mai, bệnh nhân ham muốn tình dục quá mức sẽ phải trị liệu tâm lý giúp giải quyết chấn thương tình dục trong quá khứ. Trị liêu tâm lý sẽ giúp xoá đi cảm giác lo lắng, sợ hãi, tội lỗi và hình ảnh không phù hợp.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể được điều trị bằng một số loại thuốc như thuốc chống loạn thần làm giảm dopamine, thuốc chỉnh khí sắc, gabapentin, pindolol, propranolol, cimetidine có đặc tính kháng androgen.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn