Ngày 1/11, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những ngày qua, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Sầm Sơn đứng ngồi không yên vì vụ vỡ hụi mới xảy ra tại phường Quảng Vinh với số tiền khoảng 20 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 15/10, Công an thành phố Sầm Sơn nhận được tin báo tố giác của một số người dân về việc: Hơn 2 năm qua, 2 vợ chồng ông bà Trương Thị Dung và Vũ Tiến Tại ở phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn đã đứng ra kêu gọi khoảng 100 người trên địa bàn phường và một số phường, xã lân cận góp hụi.
Vài tháng gần đây, nhiều người góp hụi đến hạn lấy tiền nhưng bà Dung liên tục khất. Đến đầu tháng 10/2023, bà Dung tuyên bố vỡ hụi, không còn khả năng trả tiền cho những người góp hụi.
Qua xác minh ban đầu, Công an thành phố Sầm Sơn xác nhận, sự việc nhiều người dân góp phường, hụi cho chủ hụi ở phường Quảng Vinh là có thật. Vợ chồng chủ hụi là bà Dung và ông Tại làm nghề buôn bán tự do.
Hiện tại, số người đến khai báo tham gia góp hụi với bà Dung lên tới gần 100 người, tổng số tiền góp cho chủ hụi khoảng 20 tỷ đồng. Điều đáng nói là cả chủ hụi và người góp hụi đều chưa chấp hành đúng các quy định tại Nghị định 19/CP năm 2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.
Thượng tá Lê Nguyên Sáng, Phó Trưởng Công an thành phố Sầm Sơn cho biết: "Ngay sau khi nhận được tin báo tố giác của người dân phường Quảng Vinh, Công an thành phố Sầm Sơn đã đưa vào quy trình giải quyết vụ việc. Chúng tôi sẽ điều tra, xác minh vi phạm ở mức độ nào thì xử lý ở mức độ đó".
Người dân cho biết, do tin tưởng là người cùng địa phương, nên nhiều người đã góp hụi cho vợ chồng bà Dung. Việc tham gia hụi bao nhiêu người, ai là người được lấy hụi trước, bà Dung không công khai. Chủ hụi chỉ thông báo riêng cho cá nhân khi đến kỳ được lấy hụi.
Lãi suất của từng người cũng không giống nhau, chủ hụi tự thỏa thuận theo mối quan hệ cá nhân riêng, nhưng nhìn chung, mức lãi suất cao từ 3 đến 5 lần so với mức lãi suất huy động tiền gửi ngân hàng. Người góp ít thì vài chục triệu, người góp nhiều lên đến vài tỷ đồng.
Ông L.H, một người dân ở phường Quảng Vinh ngậm ngùi: "Tôi góp phường cho chị Dung cái lâu nhất là 20 tháng, gần đây tôi góp thêm tổng là 150 triệu. Đến hẹn lấy thì chị Dung đi khỏi địa phương, liên lạc không được".
Còn chị T.T.T, một nạn nhân khác ở phường Quảng Vinh cũng tỏ ra bức xúc: "Tiền chúng tôi gom góp mãi mới có được ít để dành, tin tưởng người cùng địa phương nên chúng tôi gửi khi cần thì sẽ lấy, nhưng gia đình bà Dung lại ôm tiền rồi thông báo vỡ nợ. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng điều tra làm rõ để chúng tôi được lấy lại tiền".
Hiện nay, Công an thành phố Sầm Sơn đang phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý người dân, tránh việc tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự; phối hợp với cơ quan điều tra để sớm làm rõ và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công an cho biết, thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ vỡ họ, hụi, khiến nhiều người tham gia có nguy cơ bị mất tài sản. Tuy hoạt động này không bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tham gia. Do đó, người dân cần nhận diện rõ những rủi ro khi tham gia hụi, họ và nâng cao cảnh giác, tránh để kẻ gian lợi dụng việc tham gia hụi, họ để chiếm đoạt tài sản.
Theo Bộ Công an, hoạt động này là tập quán, dựa trên niềm tin và các mối quan hệ. Do vậy, người tham gia thường không đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó, đây là hoạt động mang tính tự phát, thường ít công khai. Trong khi số lượng người tham gia đông nhưng lại ít biết về nhau, ít thông tin về điều kiện kinh tế, mục đích của chủ họ, hụi.
Chủ họ, hụi cũng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia (thậm chí gian dối trong mục đích, phớt lờ các quyền được xem thông tin của người tham gia), không báo cáo với UBND cấp xã theo quy định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn