Vợ lính biên phòng: 'Tủi thân nhưng không thấy thiệt thòi'

10:37 | 30/11/2016;
'Quãng thời gian vợ chồng xa nhau, đôi lúc nước mắt tôi cứ ứa ra nhưng mỗi khi điện thoại hiện tên anh, nỗi cô đơn bỗng chốc tan biến, chỉ còn thấy niềm hạnh phúc, yêu thương ùa về…'.

Chị Bùi Thị Thu Phương (ngoài 40 tuổi) ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có dáng người mảnh mai, gương mặt ưa nhìn. Ít ai nghĩ chị bản lĩnh, kiên cường trong cuộc sống đến thế. Chị cười: “Bố đẻ tôi cũng là bộ đội biên phòng, cái gương xa chồng, một mình gánh vác 2 vai của mẹ để nuôi cả đàn con lớn khôn rất rõ, vậy mà duyên số thế nào, tôi đã gặp và yêu anh ấy cũng vì màu xanh áo lính”.

Thời điểm căng thẳng nhất chính là quãng thời gian anh Đinh Xuân Lãm, chồng chị, hiện là Thiếu tá Đội kiểm soát hành chính của Đồn Biên phòng Bản Lầu (tỉnh Lào Cai), phải đi tăng cường vào phía Nam 3 năm (từ 2012 đến 2015). Cũng đúng thời gian này, chị Phương phải luân chuyển công tác lên trường Tiểu học Tả Ngải Chồ, cách nhà hơn 50km. 2 con nhỏ (sinh năm 2000 và 2008) ở nhà.

vc-bien-phong.jpg
Vợ chồng chị Phương & anh Lãm - tấm ảnh hiếm hoi phóng viên chụp được tại nhà họ. Vì vợ chồng thường xa nhau, chưa bao giờ gia đình họ có được tấm ảnh chụp chung cả nhà.

Vì vậy mà dẫu đường đi núi đá cheo leo, hiểm trở, chị vẫn 1 mình 1 xe máy vượt sương mù từ 5h30 mỗi sáng tinh mơ, đến tối mịt lại về nhà chăm 2 con. Ban ngày, chị phải gửi 2 con cho hàng xóm trông chừng.

Các con chị đều đến trường từ lúc chưa có bạn nào, vì mẹ đi làm sớm. Hơn nữa, ở vùng cao, trẻ em chỉ học nửa ngày, con gái lớn học xong là về nhà hàng xóm chơi đến tối. Còn cậu út học mầm non, nhưng trường không có bán trú, trưa nào chị cũng nhờ người ở trường cũ, hay bà con hàng xóm đón con về nhà, cho ăn giúp, rồi chiều lại đưa con đến lớp, chiều muộn thì nhờ đón về… “Không chỉ 1 ngày, mà cả tháng, cả năm cứ đằng đẵng như thế nên tôi thương con, áy náy vô cùng”, chị Phương nhớ lại.

Chị kể, cứ tối đến, các con chỉ ngóng tiếng xe máy của mẹ và ánh đèn pha xe rọi vào nhà hàng xóm là reo lên, ôm ba lô, cặp xách ào ra với mẹ, ríu rít đòi về nhà, mẹ con sum họp buổi tối ngắn ngủi.

vc-bp2.jpg
Đồn Biên phòng Bản Lầu, nơi anh Lãm, chồng chị Phương, công tác chỉ cách nhà 3 cây số nhưng rất ít khi anh có mặt ở nhà với vợ con 

“Có những hôm, tôi thấy mình đuối sức, trời mùa đông buốt giá, lại mưa như trút, tôi vẫn phải dứt con đến trường để lên lớp đúng giờ. Nghĩ vừa thương con, vừa thấy quãng đường đi như xa hơn, chỉ thấy tủi thân cho mình, không thể ở nhà với con, cũng không thể ở lại trường để đỡ mưa nắng. Có lúc tôi bị ngã xe, trật khớp gối phải nằm ở nhà cả tháng trời. Anh ấy thì vẫn cách xa hàng ngàn cây số, cần 1 lời động viên, sự chia sẻ vợ chồng đúng lúc mà không thể…”, chị Phương chia sẻ.

Nhưng rồi, cứ mỗi tối 3 mẹ con sum họp là anh điện thoại về hỏi thăm, động viên vợ con cố gắng làm tốt công việc ở trường và chăm con giúp anh. Chỉ là những lời hỏi thăm, dặn dò rất bình dị của anh nhưng dường như mọi mệt, nỗi niềm với chị lại tan biến rất nhanh. Hạnh phúc cứ thế nhân lên từng ngày.

Bây giờ, anh Lãm đã trở về công tác ở đơn vị cũ được 1 năm, chị Phương được Phòng Giáo dục huyện điều về dạy học ở trường gần nhà. Tuy đơn vị của anh chỉ cách nhà hơn 3 cây số nhưng vài ba ngày, cũng có khi hàng tuần anh mới về thăm nhà, mọi công việc ở nhà, chăm con, đối nội, đối ngoại 2 bên vẫn do chị gánh vác là chính.

Nhiều lúc, có việc ở nhà, chị gọi điện cho anh không được, phải vào tận Đồn tìm anh, rồi lại lủi thủi quay về một mình tự giải quyết công việc. Anh bảo vợ: “Đơn vị có mấy chục anh em cán bộ, chiến sỹ nhưng hầu hết đều có vợ con ở tận miền xuôi, mình không thể cậy gần nhà mà về liên tục được”.        

“Là vợ bộ đội biên phòng, thời gian vợ chồng xa nhau là rất đỗi bình thường. So với nhiều đồng nghiệp, có lúc tôi thấy mình thiệt thòi nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh ấy bù đắp khoảng trống cho vợ con rất chân tình. Mỗi dịp về nhà, anh lại xắn tay vào tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn trong nhà. Hạnh phúc của gia đình tôi lại đong đầy”, chị Phương chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn