Tập trung cho chuyên môn
Chào Võ Minh Lâm, bạn vừa có những chia sẻ về việc sẽ dừng tham gia các game show hài trên truyền hình, lý do vì sao vậy?
Tôi thấy chơi game show thực ra rất hay. nhất là những game show đòi hỏi khả năng vận động hoặc game show hài đặt ra các tình huống ứng xử. Và cũng nhờ các sân chơi này mà anh em nghệ sĩ hài kịch, cải lương, kịch nói, diễn viên, ca sĩ… có dịp được quen biết, học hỏi lẫn nhau. Có thể nói đó là một sân chơi chung rất vui.
Tuy nhiên, tôi thấy cái gì mà mình tham gia nhiều quá cũng không tốt, nhất là diễn hài cũng không phải là sở trường của tôi. Tuy nhiên, với những game show đòi hỏi kỹ năng vận động, nhanh nhạy hoặc hát bolero, trữ tình… thì tôi vẫn tham gia.
Tuy nhiên, tôi thấy cái gì mà mình tham gia nhiều quá cũng không tốt, nhất là diễn hài cũng không phải là sở trường của tôi. Tuy nhiên, với những game show đòi hỏi kỹ năng vận động, nhanh nhạy hoặc hát bolero, trữ tình… thì tôi vẫn tham gia.
Những lúc diễn ở các game show, nhất là ở các game show hài thì bạn có được cảm giác thăng hoa tương tự như khi diễn cải lương?
Thực sự khi diễn, tung hứng với bạn diễn ở các tiết mục hài, tôi cũng rất sướng. Nhưng do ông trời phú tôi thế mạnh vào các vai kép bên sân khấu cải lương nên tôi nghĩ mình cần phải biết trân trọng. Tuy nhiên, việc tham gia các game show và được diễn chung với các bậc đàn anh trong nghề như nghệ sĩ Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành, Chí Tài… ở rất nhiều chương trình thực sự đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều về khả năng hoạt ngôn, ứng biến tình huống trên sân khấu.
Phải biết hi sinh thì mới theo đuổi được sân khấu cải lương
Trở lại câu chuyện của sân khấu cải lương, theo bạn, đời sống của các sân khấu hiện nay như thế nào?
Tôi rất mừng khi thấy các vở diễn đang bán vé cũng rất ổn. Ngoài sân khấu Trần Hữu Trang và sân khấu của anh Lê Hoàng thì vài tháng một lần, tôi cũng tham gia sân khấu Ngân mãi chuông vàng. Đây là một sân chơi dành cho các Chuông vàng vọng cổ các mùa cùng thể hiện đam mê với cải lương.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi luôn có sân khấu để hoạt động nghề. Với cải lương, các nghệ sĩ chúng tôi luôn phải đam mê, nhiệt huyết và phải biết hi sinh thì mới theo đuổi nghề lâu dài được. Bởi có những vở mình tập luyện cả tháng mới được công diễn nhưng thu nhập từ các vở diễn dài hơi này cũng không thể so sánh với một buổi đi show bên ngoài.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi luôn có sân khấu để hoạt động nghề. Với cải lương, các nghệ sĩ chúng tôi luôn phải đam mê, nhiệt huyết và phải biết hi sinh thì mới theo đuổi nghề lâu dài được. Bởi có những vở mình tập luyện cả tháng mới được công diễn nhưng thu nhập từ các vở diễn dài hơi này cũng không thể so sánh với một buổi đi show bên ngoài.
Khó khăn như vậy thì từng có khoảnh khắc nào bạn từng muốn dừng chân với nghề?
Đó là khi mới từ Cần Thơ lên Sài Gòn để bước vào "Thánh địa của cải lương". Tôi đã rất sốc khi thấy trước mắt chỉ có một vài hàng ghế có khán giả, còn lại cả rạp gần như đều trống trơn. Hiện thực này khác xa với suy nghĩ, mường tượng của cậu bé mới 17 tuổi là tôi khi đó. Nhưng cũng từ đó, tôi bắt đầu đi tìm giải đáp cho câu hỏi: "Làm cách nào để góp phần vực dậy cải lương?".
Suốt quãng thời gian qua, câu hỏi đã bắt đầu có lời giải đáp! Đó là các nghệ sĩ chúng tôi vẫn phải quyết tâm bám trụ lại sân khấu, cùng chung tay xây dựng và công diễn những vở cải lương được đầu tư nghiêm túc thì khán giả sẽ từ từ quay trở lại. Qua đó, tôi cũng biết rằng chỉ có những vở diễn dài thì hình ảnh người nghệ sĩ mới sống được trong lòng công chúng, cải lương mới có thể được yêu mến, khởi sắc trở lại.
Là một nghệ sĩ trẻ, bạn có nghĩ mình nên làm một cái gì đó cụ thể hơn cho ngành nghệ thuật sân khấu cải lương có bước phát triển mới?
Tôi luôn nỗ lực, thử sức bản thân ở nhiều lĩnh vực khác như hài kịch, kịch nói, điện ảnh, ca nhạc, MC... Để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với nghệ sĩ cải lương. Đồng thời cũng để chứng minh rằng một nghệ sĩ cải lương vẫn có thể hoạt động năng nổ ở các lĩnh vực khác. Tôi và các đồng nghiệp vẫn đang cố gắng từng ngày để sân khấu cải lương luôn được sáng đèn và cũng là để đồng hành cùng các bậc tiền bối thắp lửa đam mê. Tôi tin nghề sẽ lại nối nghề để loại hình nghệ thuật cải lương của dân tộc vượt qua được những quãng đường gian khó!
Thắng không kiêu, bại không nản
Bản thân bạn thần tượng và học diễn từ ai nhiều nhất trong nghề diễn?
Bản thân bạn thần tượng và học diễn từ ai nhiều nhất trong nghề diễn?
Tôi thần tượng ba mẹ mình. Nhưng lúc tôi chính thức theo nghề thì ba mẹ đã không còn đi hát nữa nên cũng không truyền dạy được gì nhiều. Tôi chủ yếu học hỏi từ bên ngoài, nghề dạy nghề và tôi học bằng cách xem người khác diễn. Ví dụ cùng một vở Trà hoa nữ thì tôi sẽ xem các sân khấu kịch sẽ diễn sao, điện ảnh diễn sao, cải lương diễn sao, hài kịch diễn sao… một vài lần, một vài vở chưa thấm được thì mình xem nhiều vở khác nữa.
Võ Minh Lâm có bao giờ e ngại với một vai diễn khó hay không?
Tôi luôn e ngại và hoài nghi về khả năng của mình. Bởi tôi thấy, bất cứ diễn viên nào cũng có những khả năng nổi trội và việc mình đảm nhận một vai không đúng sở trường sẽ là con dao hai lưỡi. Vì thế, tôi luôn giữ tâm thế quan sát và học hỏi từ các đồng nghiệp. Tôi nghĩ những vai diễn dù lớn dù nhỏ cũng đều là những hành trang rất tốt cho quãng đường sự nghiệp của mình về sau này.
Sau 12 năm đi hát, những trải nghiệm trong nghề nào mà bạn tâm đắc?
Năm 2006, khi đoạt giải Chuông vàng Ngôi Sao vọng cổ Truyền hình, tôi đã không được công nhận. Người ta cứ hoài nghi về cậu bé 17 tuổi mới chập chững vào nghề rồi sẽ làm được gì? Và tôi đã luôn im lặng, chăm chỉ học và làm nghề để chứng minh điều ngược lại, là tôi hoàn toàn xứng đáng. Tôi luôn tâm niệm, thắng không kiêu, bại không nản. Đó cũng là "kim chỉ nam" giúp tôi vượt qua những gian nan trên những quãng đường lầm lũi trong sự nghiệp.