Vô tình hủy hoại con

17:49 | 07/04/2016;
Việc so sánh con với người khác, ép con giống người khác có thể hủy hoại cuộc đời của con.
nh-2.jpg
Con rất ấm ức vì thường xuyên bị so sánh với chị gái. Ảnh minh họa internet.

Chị Phạm Hương Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) kể về nỗi ân hận, day dứt của chị: Tôi có hai cô con gái đều rất xinh xắn, đáng yêu. Nhưng tính cách của hai đứa hoàn toàn đối lập nhau. Đứa lớn nhút nhát, đứa nhỏ sôi động. Đứa lớn ghét xung đột, đứa nhỏ không ngại nêu ra ý kiến của mình. Đứa lớn thích khoa học và toán học, trong khi đứa nhỏ  thích mọi thứ liên quan đến sáng tạo.

Sẽ thật tuyệt vời nếu như tôi khuyến khích các con tôi phát triển theo cá tính và khả năng của chúng. Nhưng chỉ vì vô tình nói những câu so sánh mỗi ngày, tôi đã khiến con gái thứ hai của tôi trở thành cái bóng của chị gái nó lúc nào không biết.

nh-1.jpg
Mẹ vô tình biến con là cái bóng của người khác. Ảnh minh họa internet.

Tôi rất tự hào về con gái lớn. Con ngoan, biết nghe lời và học rất giỏi. Lúc nào con cũng đứng đầu lớp và đạt được nhiều giải thưởng. Thế nên, tôi thường nói với con gái thứ hai: “Con hãy nhìn chị con xem, sao con lại khác biệt thế?”, “Con phải cố gắng giống chị chứ!”, “Con có biết mẹ tự hào về chị con như thế nào không, sao con không được như thế?"

Không biết từ bao giờ, con gái thứ hai của tôi thay đổi tính cách và phong cách. Con ít nói, trầm tính, và trở thành bản sao của chị gái từ quần áo đến giày dép, tóc… Tôi thấy vui mừng khi con như biến thành người khác.

Nhưng vì không sống đúng với con người mình, nên con cảm thấy bị áp lực và bắt đầu tìm cách nổi loạn. Con tìm mọi cách để nói dối bố mẹ, người lớn trong gia đình. Tôi đã sốc trước các hành vi của con, nhưng tôi đã không tìm thấy được nguyên nhân chính và nhận ra sai lầm của mình.

anh-4.jpg
Sống trong vai người khác khiến con bị trầm cảm. Ảnh minh họa internet.

Thất vọng về con em bao nhiêu thì tôi lại càng tự hào về con chị bấy nhiêu. Chính điều đó càng đẩy con bé ra khỏi tôi, ra khỏi gia đình. Khi con bé bị trầm cảm, bác sĩ tâm lý nói về nguyên nhân và khuyên rằng: Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Không nên so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác. Nên tôn trọng và chăm sóc con bằng tình yêu thương, để trẻ tự tin phát triển, lớn lên và học làm người một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. Không nên gây áp lực, ức chế đối với trẻ.

Thời gian sẽ không quay trở lại, nhưng mong rằng trong tương lai với tình yêu của người mẹ, chị Lan sẽ giúp con thoát khỏi bệnh trầm cảm, trở lại là bé gái sôi nổi, đáng yêu như ngày nào.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn