Xuất thân từ gia đình nhà nông, sau này khi lập gia đình, anh Mùi Văn Hoan (1978) và vợ là chị Hà Thị Vân (1982) cũng nối gót ông bà gắn bó với nghề nương rẫy ở xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Hai vợ chồng sinh người con đầu tiên Mùi Văn Minh vào năm 2000. Cháu Minh mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng thời điểm đó gia đình không hề hay biết.
"Tôi cũng không nhớ khi gia đình biết cháu bị bệnh là năm bao nhiêu, chỉ nhớ gia đình cũng đưa cháu đi chữa trị được 7-8 năm. Năm cháu bắt đầu đi chữa là 10 tuổi."- anh Hoan nhớ lại.
Anh Hoan cho biết, hồi đó, nhân dịp có đoàn về địa phương hỗ trợ khám bệnh cho trẻ, anh cũng đưa cháu Minh tới khám. Sau khi khám, bác sĩ có khuyên gia đình đưa cháu xuống bệnh viện ở thủ đô khám.
Anh Hoan không biết bấu víu vào đâu khi gia đình rất khó khăn
Tại thời điểm đó, gia đình không có điều kiện để đưa cháu đi chữa, khi cháu lên 10 tuổi mới có thể cho cháu xuống bệnh viện Việt Đức khám. Thế nhưng, khi đưa xuống bệnh viện ở thủ đô thì bác sĩ bảo xuống muộn quá, khả năng chữa thì chữa được nhưng cơ quan không phát triển.
Hiện tại, Minh đã 23 tuổi nhưng chỉ cao 1m1 – 1m2. Căn bệnh tim bẩm sinh cũng lớn dần theo số tuổi của em nhưng những bộ phận trên cơ thể thì vẫn vậy, không thể lớn. Dù vậy, sau khi được chữa trị thì sức khỏe của Minh cũng trở lại bình thường và sinh hoạt như bao người
Nhưng đáng thương hơn cả lại là người con út. Không may mắn như anh Minh có cơ hội chữa trị, người em Mùi Thị Hiền (2008) sinh ra đã bị khiếm thị và không thể làm gì.
"Khi đẻ ra được gần tháng mà không thấy cháu mở mắt, lúc nào cũng nhắm nên gia đình cho lên bệnh viện ở huyện xong bác sĩ khuyên nên xuống bệnh viện trung ương khám. Đi bệnh viện trung ương khoảng 2 – 3 lần thì người ta nói cháu không còn cơ hội nhìn thấy, kể cả có cho đi thay giác mạc cũng không thể nên gia đình lại đành để cháu sống như thế"- sự bất lực của anh Hoan hiện rõ trên ánh mắt khi không thể cứu chữa cho con.
Số phận trớ trêu lại bồi thêm cho cuộc đời người cha nghèo này cú đánh mạnh khi anh phát hiện vợ mình bị bệnh ung thư vú vào tháng 4 vừa rồi. Món nợ vài chục triệu vay từ ông bà, anh chị em họ hàng để chữa trị bệnh cho con ròng rã 7 – 8 năm còn chưa trả được, giờ anh không có gì để lo tiếp cho vợ điều trị ung thư. Anh Mùi Văn Hoan thậm chí còn không thể khóc bởi cuộc đời nghiệt ngã đã cướp đi của anh đến cả những giọt nước mắt cuối cùng.
"Giờ sống chỉ nghĩ cho hiện tại, cuộc sống tính bằng từng ngày chứ tương lai không dám nghĩ tới, tiền viện phí cho đợt sau chắc phải nhờ vả, phụ thuộc vào sự hỗ trợ anh chị em trong gia đình và các cộng đồng, quỹ từ thiện"- anh Hoan nói.
Ngày mà vợ anh, chị Hà Thị Vân (1982) tiếp nhận điều trị xạ trị bệnh ung thư cũng là mở đầu của chuỗi ngày không thu nhập của gia đình bởi hầu hết thời gian của anh đều gắn liền với bệnh viện, khi thì chăm sóc vợ khi thì phải tất bật chăm sóc con, không còn đủ thời gian để lo việc nương rẫy.
Đồng áng của gia đình anh phải nhờ ông bà trông nom, tài sản lớn nhất của gia đình chỉ vỏn vẹn 2 con bò cũng phải bán để lấy tiền chạy chữa cho vợ. Quy trình chữa bệnh của chị Vân là mỗi tháng đi bệnh viện 1 lần để truyền hóa chất, mỗi lần từ 2 – 3 ngày xong đi mổ, mổ xong thì mới xạ trị trong vòng 1 tháng.
"Nỗi lo lớn nhất của anh chính là 2 con ốm yếu và còn quá nhỏ, trong khi mẹ thì bị bệnh, bố cũng đã già và không tạo được của ăn của để, chỉ sợ sau này mình có mệnh hệ gì thì không ai chăm sóc các con."- anh Hoan trăn trở.
Anh Hoan kể lại, cháu Minh nghỉ học từ sớm vì không tiếp thu được kiến thức, cháu Hiền thì ở nhà từ nhỏ không đi học vì mắc bệnh khiếm thị bẩm sinh. 2 bạn ở nhà thì cháu lớn phụ nương rẫy, lúc bò chưa bán cháu cũng đi chăn bò, nấu cơm phụ gia đình, cháu nhỏ thì hầu như không làm được gì vì khiếm thị nên khó, chỉ cần cháu đi lại không bị thương đã là tốt rồi.
"Gia đình tôi cũng động viên nhau, vợ chồng bảo nhau bệnh tật thì chả ai muốn nên vợ cứ thuốc thang cho khỏe để con cái cũng yên tâm. Bây giờ tôi chỉ mong có nơi nào nhận 2 cháu vào làm việc, để các con có cái nghề sau này còn tự nuôi sống được bản thân"- anh Hoan chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn