Chuyện là chồng em bị bệnh "bác học" và có thói "nhiệt tình" quá, không biết cách từ chối mặc dù tửu lượng kém. Chỉ cần bạn bè rủ rê, "chén chú chén anh" vào là không còn biết trời đất đâu, say là ăn nói linh tinh, nói cả những chuyện không nên nói. Dù em đã nhiều lần phân tích, thấy anh ấy cũng gật gù ra vẻ hiểu lắm nhưng đâu lại vào đấy.
Năm ngoái, hai vợ chồng em đến nhà sếp chúc Tết. Sếp của chồng em mời có mấy chén và hỏi thăm vài câu mà chuyện gì trong nhà em anh ấy cũng kể. Từ việc em càu nhàu suốt ngày việc chồng tăng ca mà không thấy tăng lương đến việc bữa trước em đi xe không cẩn thận tông vào con chó nên bị gãy tay... Em xấu hổ, không biết chui đi đâu, còn sếp thì chỉ biết cười.
Khi ngồi với bạn bè, thì độ "bác học" của chồng em mới càng được thể hiện. Chỉ cần một vấn đề nào đó phát sinh trong cuộc sống và trở thành chủ đề tại buổi ăn uống, chồng em sẽ thao thao bất tuyệt cho đến khi mọi người chán nản không "thèm" tiếp chuyện nữa. Ví dụ, có người bị đau dạ dày, anh ấy sẽ phân tích các triệu chứng đau dạ dày, nên hay không nên ăn gì, tại sao người đó lại bị đau dạ dày... Kể cả khi ngồi cạnh chuyên gia, tiếng nói của người ấy cũng bị "lép vế" bởi chồng em luôn cho rằng những gì mình nói là đúng.
Chị không thể tưởng tượng được độ "chém gió" của chồng em khi rượu vào, nó thật sự kinh khủng! Nếu như chồng em "làm hay như nói", có lẽ em không chê trách gì nhưng anh ấy vẽ ra những hoài bão, mơ ước khởi nghiệp... nhưng sau hơn 30 năm, vẫn không thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn của mình với công việc lặp đi lặp lại hàng ngày.
Tháng trước em đi trực nên chồng em mang cả con đi liên hoan cùng. Em nghĩ rằng, đi cùng với con thì chắc anh ấy sẽ biết kiềm chế hơn, uống ít và về sớm. Nhưng không, vì nể người này, nhiệt tình với người kia mà chồng em vẫn "hăng say chém gió" tới 11h tối, em gọi cũng không thấy về. Một lúc sau, có số điện thoại lạ liên lạc báo tin chồng và con em bị tai nạn giao thông khiến em đứng cả tim. Thì ra chồng em uống nhiều quá, say ngã không biết gì, may mà con bé con không sao, chỉ bị trầy xước nhẹ, mồm ngậm đầy cát khóc lóc hỏi: "Bố ơi, bố có sao không?". May mà người đi đường thấy sự việc gọi về thông báo.
Dăm bữa nay em thấy chán chồng quá, cảm thấy không thể sống chung được với con người ấy. Mặc dù bố mẹ em có vun vén rằng, anh ta cũng biết thương vợ thương con, về nhà biết giúp vợ việc nhà, biết quan tâm đến bố mẹ... Nhưng chuyện vừa rồi đã chạm tới ngưỡng chịu đựng của em, nhìn cảnh con gái ngồi khóc thút thít và sợ hãi, em lại thấy bực. Em có nên tiếp tục sống chung với người đàn ông thích "nổ" ấy không?
Minh Anh (Thái Nguyên)
Điều quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng là sự dung hòa và thích nghi giữa 2 cá nhân với những nét tính cách khác biệt.
Chồng em là một người biết quan tâm, chăm sóc gia đình, vợ con. Bởi vậy em nên nguôi giận và chia sẻ với chồng về những suy nghĩ của mình. Ví dụ: Em nghĩ như thế nào về những điều anh ấy đã làm? Việc uống rượu nhiều và phân tích nhiều gây ảnh hưởng ra sao tới các mối quan hệ xã giao? Đặc biệt, vợ chồng em cần trao đổi với nhau về việc con cái, để không xảy ra tai nạn như vừa rồi. Mỗi lần chồng em tham gia liên hoan, em có thể liên hệ với "1 vệ tinh" thân cận để có thể giúp mình nhắc nhở chồng không nên quá chén và không để sự việc nguy hiểm như đã xảy ra.
Nếu cần thiết, em có thể nhờ một người lớn trong nhà mà chồng em tôn trọng, nhờ người đó khuyên giải về việc "vui mồm nói quá". Chị tin chồng em sẽ dần nhận ra giới hạn mà mình không nên vượt qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn