Nhiều phụ huynh đã không thể thốt lên lời khi xem clip các bảo mẫu ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh bạo hành trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi. Không thể tưởng tượng được khi các cô dùng dao dọa các bé, dùng tất cả mọi vật có thể cầm để đánh đập, xách bổng vứt các bé xuống rồi đá, tát, đạp... Các bé chỉ biết gào khóc. Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ đã khóc nức nở khi xem clip này vì những đứa trẻ non nớt bị bạo hành một cách dã man. Thậm chí, có những người không đủ can đảm để xem hết clip trẻ bị bạo hành...
Điều các phụ huynh lo lắng là những đứa trẻ ở lứa tuổi nhỏ hoặc là không biết nói, không biết kể lại cho bố mẹ những chuyện đã xảy ra. Với những trẻ lớn hơn, các em bị các cô đe dọa nên về nhà cũng không dám “hé răng” với bố mẹ. Trong giờ học bị bạo hành, thế nhưng khi đến giờ bố mẹ đón, các con được mặc quần áo, lau chùi sạch sẽ, được các cô bế bồng, ôm ấp, yêu thương nên đa phần bố mẹ luôn nghĩ con em mình được chăm sóc tốt.
Theo T.S Vũ Thu Hương (trường ĐHSP Hà Nội), các vụ bạo hành trẻ em diễn ra nhiều hơn ở các nhóm trẻ tư thục, khi các bảo mẫu, người giữ trẻ không có chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế, gửi trẻ vào trường công thật không đơn giản nếu không có hộ khẩu đúng tuyến. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người làm công nhân… cũng không có điều kiện để gửi con vào trường tư tốt, có uy tín. Họ đành gửi con vào nhóm trẻ tư mà không có lựa chọn khác nếu không muốn gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc.
Đưa con đi học, nhưng cha mẹ phấp phỏng lo âu con bị bạo hành. Muốn biết con có bị bạo hành hay không, theo T.S Vũ Thu Hương, hàng ngày, cha mẹ cần xem xét các dấu hiệu sau:
- Nếu con đột ngột khóc, hờn, nôn ói... mà con không hề ốm đau hay ươn người thì phải ngay lập tức đề phòng. Nếu 2, 3 ngày con đi học, đến nhìn thấy ai đó mà khóc thét lên thì phải cho con nghỉ học và chuyển trường cho con. Nhiều khi, người giữ trẻ đánh không để lại dấu vết trên cơ thể. Thế nên, bố mẹ phải thật tinh ý trước những dấu hiệu này của con.
- Khi con về nhà, bố mẹ nên thường xuyên hỏi han con về trường lớp. Bố mẹ không đặt câu hỏi kiểu: "Hôm nay con học gì?" mà hãy gợi chuyện: Ngày xưa bố/mẹ đi học vui lắm, cô giáo thường cho ăn bánh này, cho ăn kẹo này, cho hát này... Như thế, trẻ lập tức sẽ buôn dưa về lớp học của con nếu con đủ khả năng ngôn ngữ để trả lời.
- Bố mẹ quan tâm hỏi han về con thật nhiều khi đón con. Cha mẹ hỏi cô xem con ăn gì, chơi gì, vui không? Càng tỏ ra quan tâm con bao nhiêu, người giữ trẻ càng phải để ý và cẩn trọng bấy nhiêu.
Khi con có vết bầm hay vết xước ở người, bố mẹ đừng làm toáng lên. Hãy im lặng điều tra. Nếu có dấu hiệu rõ hơn thì hãy xử lý. - Một cách khác cũng rất đơn giản giúp cha mẹ phát hiện ra con bị bạo hành là chơi trò đóng vai. Bố mẹ sẽ làm học sinh và con là cô giáo. Con sẽ diễn lại y chang những gì cô đã làm ở trường lớp. Khi đó, nếu không có bằng chứng để xử lý triệt để, cha mẹ cũng ngay lập tức chuyển trường cho con.
- Quan sát con. Bố mẹ chú ý, nếu con trước nay không đánh ai bao giờ, đi học về cứ thích đánh người khác thì các bố mẹ cũng nên đề phòng. Hoàn toàn có thể có hình thức bạo lực trong cách dạy dỗ ở trường.
T.S Vũ Thu Hương nhấn mạnh, trẻ con rất giỏi trong việc nhận ra ai là người tốt với chúng. Nếu tập cho con quen trường lớp rồi, con vui vẻ đi học, không khóc, nhưng cứ nhìn thấy cô giáo đó là khóc toáng lên thì cần… chuyển lớp ngay. Bởi lẽ, trẻ- vị chuyên gia thông thái- đã cảnh báo cho bố mẹ về một giáo viên không phù hợp.