Gần đây, một số ngân hàng phát hành thẻ tín dụng dành cho 2 đối tượng: sinh viên và người thu nhập thấp. Mục đích là nhằm giúp các đối tượng này có những giải pháp tài chính hợp lý để tránh rơi vào cảnh túng thiếu.
Theo giới thiệu của một ngân hàng phát hành thẻ tín dụng quốc tế dành cho đối tượng khách hàng sinh viên, đây là sản phẩm với nhiều tiện ích và ưu đãi, giúp sinh viên chủ động hơn trong vấn đề tài chính cho những trường hợp khẩn cấp như đến hạn đóng học phí, bị ốm đau, cần phương tiện đi lại, chi phí sinh hoạt phát sinh ngoài dự tính... Ngoài ra, sinh viên có thể tận dụng chi phí còn lại cho các sinh hoạt cá nhân hoặc nhu cầu phát sinh.
Theo đó, sinh viên năm cuối của các trường đại học hàng đầu, các khóa đào tạo cử nhân tài năng, có hộ khẩu thuộc địa bàn có điểm giao dịch của ngân hàng này và đạt kết quả học tập loại khá giỏi, được cấp thẻ tín dụng với hạn mức 5 triệu đồng. Khách hàng được miễn phí phát hành thẻ, miễn phí thường niên năm đầu, miễn lãi suất lên đến 45 ngày, các chương trình ưu đãi giảm giá dành riêng cho sinh viên…
Theo đó, sinh viên năm cuối của các trường đại học hàng đầu, các khóa đào tạo cử nhân tài năng, có hộ khẩu thuộc địa bàn có điểm giao dịch của ngân hàng này và đạt kết quả học tập loại khá giỏi, được cấp thẻ tín dụng với hạn mức 5 triệu đồng. Khách hàng được miễn phí phát hành thẻ, miễn phí thường niên năm đầu, miễn lãi suất lên đến 45 ngày, các chương trình ưu đãi giảm giá dành riêng cho sinh viên…
Sinh viên, người thu nhập thấp là đối tượng hạn chế khả năng tính toán tài chính
Mới đây, một ngân hàng khác đã ra mắt thẻ tín dụng được thiết kế cho các khách hàng có thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng. Sử dụng thẻ này, khách hàng có thể rút tiền mặt chi tiêu trước, trả sau với số tiền ứng trước gấp 2 lần mức lương.
Hiện đã có một lượng lớn khách hàng tham gia và nhiều người trong số đó cho biết, nếu sử dụng đúng cách thì sẽ phát huy được không ít tác dụng, nhất là giúp họ vượt qua những thời điểm “giáp hạt” ngặt nghèo về tài chính. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng, lạm dụng, không biết “liệu cơm gắp mắm” thì những chủ thẻ có thể dễ dàng trở thành con nợ và khả năng thanh toán để thoát khỏi “vòng kim cô” của ngân hàng là điều hết sức khó khăn.
Đối với sinh viên, phần lớn sống dựa vào nguồn tài chính do gia đình chu cấp, thế nên một số người sau khi được cấp thẻ tín dụng đã tự cho phép mình chi xài một cách quá “rộng rãi”, nhiều khi vượt quá sức “chịu đựng” của gia đình. Họ không chỉ chi tiền vào những nhu cầu “khẩn cấp”, thực sự cần “ứng cứu” tức thì, mà còn dùng tiền vay từ thẻ cho những sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi tình cờ bắt gặp những chương trình bán hàng ưu đãi cho chủ thẻ. Mặc dù hạn mức chỉ 5 triệu đồng nhưng đối với nhiều sinh viên thì đó là khoản tiền khá lớn, khó có khả năng chi trả nếu sử dụng không hợp lý. Hơn nữa, sau thời hạn được miễn lãi suất thì những chủ thẻ này nếu chưa thanh toán nợ, sẽ phải chịu một mức lãi suất rất cao khoảng 1%/tháng. Món nợ càng để lâu thì khả năng trả nợ càng… mờ mịt.
Đối với người thu nhập thấp, mối lợi khi sở hữu thẻ là rõ ràng hơn nhưng nguy cơ trở thành “con nợ” cũng dễ dàng hơn. Một trong những điểm yếu của đối tượng này là hạn chế trong khả năng tính toán tài chính, nên mỗi khi có nhu cầu chi xài, họ thường dễ dàng bỏ qua những cảnh báo về “hậu quả”. Nhất là thời gian gần đây, đời sống của nhiều gia đình lao động gặp khó khăn, túng thiếu triền miên thì nhu cầu chi tiêu càng trở nên đa dạng và khó kiểm soát hơn. Với hạn mức được phép sử dụng gấp đôi số tiền lương, không ít người đã “bóc ngắn cắn dài”, dùng thẻ tín dụng như một cách “tạm ứng” tiền lương, để rồi lãnh hậu quả khi quá thời hạn miễn lãi suất mà vẫn không thể trả được nợ.
Vì vậy, để dùng thẻ tín dụng một cách hiệu quả và an toàn nhất, nhiều chuyên gia tài chính khuyên chủ thẻ nên tỉnh táo trong việc kiểm soát chi tiêu, chỉ tiêu đúng khoản tiền kiếm được và vào lúc mình làm ra nó, chứ tuyệt đối không nên chi tiêu vượt xa khả năng trả nợ tức thời, tránh tình trạng “chi tiêu theo cảm xúc” dẫn tới sự vô trách nhiệm đối với tình hình tài chính của chính mình.