Vòng quẩn của con nợ hưởng 'đặc ân' vay dài hạn

17:09 | 21/09/2015;
Đành rằng lãi suất sẽ giảm dần theo mức giảm của nợ gốc nhưng nợ gốc giảm rất chậm khiến 2/3 thời gian vay, khoản nợ gốc may ra mới ngót đi được phân nửa.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, được giải quyết cho vay một khoản tiền với thời hạn 10-20 năm là một “đặc ân” mà ngân hàng dành cho mình. Song thực tế, thời hạn vay càng dài thì khách vay tiền sẽ càng chịu nhiều thiệt thòi.

Chị Thu Vân, ngụ tại quận 1, TPHCM, cách đây 6 năm được một ngân hàng cho vay 200 triệu đồng (thế chấp bằng chính miếng đất của chị) để góp vào tiền xây nhà, thời hạn vay 20 năm. Là một công chức thu nhập hàng tháng chưa tới 10 triệu đồng, nên đọc những diều khoản trong khế ước vay, chị cảm thấy hài lòng. Bởi trong thâm tâm, chị nghĩ rằng với tốc độ lạm phát cao (như 6 năm trước) thì vào 20 năm sau, khoản tiền 200 triệu mà chị vay có thể chỉ có giá trị bằng… 20 triệu so với hiện thời.

Thế nhưng gần đây, đọc thông báo về khoản dư nợ mà ngân hàng gửi về nhà, chị Vân giật mình khi thấy số tiền gốc mới trả được chưa đầy 20 triệu đồng, mặc dù tháng nào chị cũng phải trả từ 2,4 triệu đồng - chưa kể thời gian “sốt lãi suất” chị phải trả mỗi tháng tới gần 4,5 triệu đồng. “Tính ra, trong 6 năm qua, tôi đã phải trả tổng cộng hơn 100 triệu đồng, vậy mà không hiểu sao khoản nợ gốc còn nhiều như vậy? Kiểu này thì có lẽ đến khi đáo hạn, mình phải trả tới 600 - 700 triệu đồng chứ chẳng chơi!”, chị than vãn.
Nợ gốc giảm rất chậm khiến 2/3 thời gian vay, khoản nợ gốc may ra mới ngót đi được phân nửa. Ảnh mang tính minh họa

Theo lời chị Vân, trước khi nhận tiền vay, chị đã được nhân viên ngân hàng tư vấn và đề xuất mức trả nợ hàng tháng ở mức như hiện nay. Có một thời gian, khi chồng chị làm ăn khấm khá hơn, chị có ý định nâng số tiền trả hàng tháng lên, nhưng nhân viên ngân hàng yêu cầu phải làm khá nhiều thủ tục, rất phức tạp và nhiêu khê, nên chị lại thôi.

Không riêng gì chị Vân mà nhiều người khác sau một thời gian è cổ trả nợ, mới kịp nhận ra một thực tế: Vay dài hạn không hề là một “đặc ân” của ngân hàng! Bởi với cách tính của hầu hết các ngân hàng, những khoản tiền trả từng tháng trong những năm đầu chủ yếu là để trả lãi suất, còn phần để “gọt bớt” tiền nợ gốc chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Do đó, không phải là cứ vay 20 năm thì sau 10 năm là đã trả được nửa nợ gốc như nhiều người vẫn lầm tưởng. Thực ra, sau khi đã trả khoản tiền bằng hoặc hơn số nợ gốc thì khách hàng mới chỉ thanh toàn được khoảng 30-35% nợ gốc mà thôi!

“Đành rằng lãi suất sẽ giảm dần theo mức giảm của nợ gốc nhưng với cách tính như nhiều ngân hàng, nợ gốc giảm một cách hết sức chậm chạp như vậy, thì phải đến 2/3 thời gian vay, khoản nợ gốc may ra mới ngót đi được phân nửa”, chị H., nhân viên một ngân hàng nước ngoài tại TPHCM, cho biết.

Do đó, một số người có kinh nghiệm chia sẻ 2 giải pháp đối với những ai đã “lỡ” vay với thời hạn dài: Thứ nhất, nếu có điều kiện thì nên tăng cường tiết kiệm chi tiêu, thường xuyên để dành ra một khoản tiền nhiều hơn mức “đề nghị” ban đầu của ngân hàng, rồi ra ngân hàng làm thủ tục để tăng khoản tiền trả hàng tháng. Thứ hai, nếu tốt hơn nữa, hãy cố gắng tìm cách trả dứt nợ càng sớm càng tốt, chập nhận điều khoản phạt của ngân hàng (thường bằng 3% trên tổng số tiền vay). Vì nếu cộng cả khoản tiền phạt này thì số tiền mà khách hàng bị thiệt hại sẽ chẳng thấm tháp gì so với tổng khoản tiền sẽ phải trả tính đến hết thời hạn vay.

Đặc biệt, trong tình hình tài chính Việt Nam hiện nay, lạm phát đang ở mức thấp, rất khó có khả năng giá trị đồng tiền Việt Nam sẽ giảm mạnh như “kỳ vọng” của nhiều người vay tiền dài hạn, nên trả nợ sớm hoặc tìm cách giảm nhanh khoản nợ gốc là điều rất nên làm.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn