Triệu chứng trầm cảm
Theo Tiến sĩ Tâm thần học Aaron Kandola (Đại học Luân Đôn, Anh), các triệu chứng của bệnh trầm cảm bao gồm: cáu gắt, mất ngủ, mệt mỏi, khó tập trung hoặc ghi nhớ, có ý định tự tử, xuất hiện các cảm giác tiêu cực như bồn chồn, tuyệt vọng, cô đơn, chán nản, không còn hứng thú với những sở thích hoăc hoạt động yêu thích. Theo ước tính, năm 2018, có khoảng 16 triệu người Mỹ trưởng thành từng trải qua cảm giác trầm cảm.
Đối với một số bệnh nhân, những triệu chứng trên sẽ trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm, khiến người bệnh mất ngủ hoặc khó ngủ hơn. Nó khiến chứng mất ngủ trở nên trầm trọng và cơ thể mệt mỏi vào ngày hôm sau. Từ đó gia tăng tình trạng trầm cảm của người bệnh, tạo ra một vòng tròn nguyên nhân – hậu quả của trầm cảm về đêm.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác của trầm cảm có thể là đột ngột ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều, thay đổi thói quen ngủ, miễn cưỡng hạnh phúc, giảm thái độ lạc quan… Những triệu chứng này thường khó phát hiện. Tuy nhiên đây lại là những triệu chứng quan trọng của bệnh trầm cảm.
Sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường như trải qua chấn thương hoặc stress mãn tính có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm. Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro có thể dẫn đến trầm cảm bao gồm: tiền sử gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, sử dụng các chất kích thích như rượu hoặc ma túy, có các bệnh về thể chất như bệnh tim, các vấn đề tâm lý khác như lo âu, căng thẳng, …
Trầm cảm về đêm được gây ra bởi nhiều yếu tố, có thể làm tình trạng bệnh lý trở nên tồi tệ hơn. Đối với những người mắc bệnh trầm cảm, những hoạt động hàng ngày như đi học, đi làm, chơi thể thao và các hoạt động xã hôi được cho là "hoạt động xao lãng", giúp người bệnh giảm các triệu chứng trầm cảm vào ban ngày. Tuy nhiên, các hoạt động này thường không được thực hiện vào ban đêm. Điều đó dẫn đến sự thiếu hụt các "hoạt động xao lãng" là một trong những nguyên nhân chính khiến trầm cảm về đêm trở nên nặng hơn. Điều đó phát sinh vấn đề khi chỉ có bản thân người bệnh với các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
Một thí nghiệm được tiến hành vào năm 2013 cho thấy, ánh sáng xanh và trắng giúp con người tỉnh táo và tăng các triệu chứng của trầm cảm. Theo đó, ánh sáng từ tivi hoặc thậm chí bật tivi trong phòng tối có thể khiến trầm cảm trở nên tồi tệ vào ban đêm. Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2019 cũng chỉ ra rằng, sự gia tăng ánh sáng nhân tạo cũng là nguyên nhân gây ra trầm cảm về đêm.
Trầm cảm về đêm khiến các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn và cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng. Mất ngủ về đêm khiến tâm trạng người bệnh trở nên tiêu cực, công việc và sinh hoạt ngày hôm sau cũng tồi tệ. Từ đó làm cho tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng và dai dẳng.
Ngoài ra, rủi ro mắc một số bệnh lý về tâm thần khác cũng là một ảnh hưởng nghiêm trọng của trầm cảm đối với người bệnh. Theo một nghiên cứu trên 1.783 người của Tạp chí Tâm thần học lâm sàng (Journal of Clinical Psychiatry) của Mỹ, 75% những người trầm cảm bị rối loạn lo âu trong suốt cuộc đời. Những người mắc rối loạn lo âu thường sợ hãi và lo lắng quá mức.
Ngoài ra, trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thể chất. Một nghiên cứu được thực hiện trên 3 triệu người cho thấy, những người bị trầm cảm có khả năng mắc bệnh tim cao hơn 72% so với người bình thường. Hơn nữa, tuổi thọ của bệnh nhân trầm cảm cũng thấp hơn người bình thường.
Một số lời khuyên cho người có biểu hiện trầm cảm về đêm
- Thư giãn ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Điều này có thể khiến người bệnh dễ đi vào giấc ngủ và không còn những mối bận tâm để suy nghĩ.
- Tham gia các hoạt động giúp giảm căng thẳng như vẽ tranh hoặc làm vườn có thể giúp giảm căng thẳng về đêm. Ngoài ra, thiền cũng là một phương pháp giúp giảm tình trạng lo lắng, căng thẳng cho các bệnh nhân trầm cảm.
- Tránh xem tivi hoặc tiếp xúc với những ánh sáng mạnh trước khi đi ngủ 2 giờ.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, bia rượu…
Theo Tiến sĩ Aaron Kandola, biện pháp tốt nhất để điều trị trầm cảm về đêm là tìm cách điều trị chứng trầm cảm thông thường.
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một trong những cách điều trị tâm lý hiệu quả để giảm tình trạng trầm cảm. Đây là một kỹ thuật trị liệu ngắn hạn, giúp người trầm cảm giảm căng thẳng, xác định và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Tham gia các lớp CBT, người bệnh được chia sẻ cách phản ứng của bản thân đối với những tình huống khác nhau và được hướng đến những suy nghĩ và thái độ tích cực đối với cuộc sống.
Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt sử dụng esketamine để điều trị trầm cảm. Đây là một nhóm thuốc mới có thể giúp những người mắc bệnh trầm cảm không đáp ứng các trị liệu khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn