Theo thông tin của PNVN, năm 2011, tỉnh Lai Châu thực hiện tách huyện, tách xã. Chính vì thế, Lai Châu cần rất nhiều nhân viên y tế làm việc tại các BV Đa khoa huyện, trung tâm y tế dự phòng huyện và trạm y tế xã. Trước nhu cầu nhân lực quá lớn, Sở Y tế Lai Châu đã ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn trong chỉ tiêu biên chế với hàng trăm lao động. Theo luật sư Lê Trọng Hùng, Văn phòng Luật sư 36, hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế có nghĩa họ là nguồn để tuyển vào biên chế sau này.
Thế nhưng, đến cuối năm 2016, Sở Nội vụ Lai Châu đã kết luận, việc ký HĐLĐ của ngành y tế trong giai đoạn trên chưa đúng với quy định. Vì vậy, tất cả những trường hợp đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn tại ngành y tế đều phải chuyển sang HĐLĐ có thời hạn (1 năm). Đến cuối năm 2017, Sở Nội vụ tổ chức xét tuyển viên chức ngành y tế và 137 nhân viên đã bị trượt và buộc phải chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 1/4/2018.
Trả lời báo chí, đại diện 2 Sở Y tế và Nội vụ cũng đã thừa nhận “hiểu lầm” văn bản hướng dẫn, khiến việc ký kết hợp đồng sai. Vậy, 2 Sở đã sai như thế nào?
Điều 22, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định có những loại HĐLĐ sau:
"Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) HĐLĐ không xác định thời hạn;
1. HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) HĐLĐ không xác định thời hạn;
HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) HĐLĐ xác định thời hạn:
Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Khi HĐLĐ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là HĐLĐ xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần. Sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
Như vậy, theo Bộ luật Lao động thì chỉ có quy định về chuyển từ hợp đồng xác định thời hạn sang hợp đồng không xác định thời hạn. Luật không có quy định chuyển ngược lại từ hợp đồng không xác định thời hạn sang hợp đồng xác định thời hạn.
Do vậy, việc Sở Y tế và Sở Nội Vụ Lai Châu chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn để chuyển sang HĐLĐ có thời hạn là vi phạm Bộ luật Lao động.
Trước đó, như PNVN đã thông tin, 137 nhân viên y tế tại Lai Châu đã nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 1/4/2018. Hầu hết, họ là những nhân viên y tế được tuyển dụng từ năm 2011. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Tỉnh ủy Lai Châu đã họp và kết luận 2 sổ Y tế và Nội vụ đã có sai sót trong tuyển dụng nên đề nghị xem xét, kỷ luật. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm giải pháp hỗ trợ cho các nhân viên y tế bị mất việc.