Vụ án chạy thận Hòa Bình: Tòa triệu tập điều tra viên

17:07 | 17/05/2018;
Trong buổi xét xử chiều nay, tòa án đã triệu tập Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa. Tuy nhiên, khi các luật sư đặt câu hỏi, đa phần điều tra viên này đều trả lời đã lưu trong hồ sơ.
Chiều ngày 17/5, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án làm “vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Hội đồng xét xử cho biết đã triệu tập Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa tới phiên tòa, các luật sư có thể đặt câu hỏi.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bác sĩ Hoàng Công Lương hỏi điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa về việc xác định tư cách làm việc với ông Trương Qúy Dương ngày 15/8/2017. Ông Nghĩa cho biết, mời ông Dương đến làm việc với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Nói về việc khám nghiệm hiện trường sau khi xảy ra tai biến chạy thận ngày 29/5/2017, điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa cho biết, quá trình khám nghiệm hiện trường có Viện kiểm sát và các thành phần theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan điều tra có thu giữ đồ vật có liên quan đúng quy định thể hiện trong hồ sơ vụ án.
Trả lời câu hỏi của luật sư về xã hội hóa chạy thận, đại điện BV Đa khoa Hòa Bình cho biết, việc này bắt đầu được thực hiện từ năm 2010. Việc liên doanh, liên kết của các khoa phòng trong BV thì không nắm được.
dieu-tra-vien-bui-tuan-nghia-bb-baaabvosnr.jpg
Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa tại tòa

 Khai trước tòa, điều dưỡng Hằng khai, hơn 7h ngày 29/5 có gặp bị cáo Quốc. Lúc đấy, máy đã vận hành, một số máy lắp vào bệnh nhân. Một số máy đang rửa. Rửa quả lọc dùng hệ thống RO1. Thời gian test máy là 7-10 phút, thời gian rửa máy khoảng 12 phút.

Điều dưỡng Hằng cho biết học điều dưỡng đa khoa ra trường. Bản thân chưa được đào tạo về thiết bị y tế thường xuyên tại BV, khi nào có máy móc mới thì học cách sử dụng. “Tôi không biết xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI vào khi nào, quy trình như nào tôi cũng không nắm được”, Điều dưỡng Hằng khai.
Bị cáo Trần Văn Sơn khai được đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật thiết bị hình ảnh y tế, không có liên quan gì đến các thiết bị về máy chạy thận. Sau đó, bị cáo  được sở y tế đi học lớp kỹ thuật vi sinh từ tháng 6/2015 vào các buổi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần.
Bị cáo Sơn cũng thừa nhận, chưa nhận được quy trình hay quy định nào về chất lượng nước xét nghiệm, cũng không biết tiêu chuẩn AAMI và tin vào nhà sản xuất, nhà cung cấp đưa vào đó. Bị cáo không được giải thich về đưa AAMI vào làm gì", Sơn nói.
Khi Luật sư Nguyễn Tiến Dũng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Quốc đặt câu hỏi với điều tra viên về việc bản kết luận điều tra giám định không nói rõ về việc đồng hồ hiển thị độ dẫn điện RO2 có sai số quá lớn, không đảm bảo trong việc sử dụng, cũng không nói rõ về ai chịu trách nhiệm về sự việc này, điều tra viên yêu cầu luật sư xem lại hồ sơ và hỏi lại bị cáo.
Như đã thông tin, ngày 15/5, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án làm 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Theo đó, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa Khoa Hòa Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư Bệnh viện Đa Khoa Hòa Bình) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội vô ý làm chết người.
Ngày mai, Tòa tiếp tục làm việc. PNVN sẽ cập nhật thông tin.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn