Vụ án chạy thận ở Hoà Bình: Lập khống biên bản để hợp thức hóa hồ sơ?

12:47 | 16/05/2018;
“Ngày 28/5, sau khi sửa chữa xong hai bên không lập biên bản. Đến ngày 29/5, sau khi xảy ra sự cố thì biên bản mới được lập và việc lập biên bản chỉ để hợp thức hóa hồ sơ”, bị cáo Trần Văn Sơn khai.

Sáng ngày 16/5, TAND TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người tử vong ở BV Đa khoa Hòa Bình.

Tại tòa, bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư- thiết bị y tế, BV Đa khoa Hòa Bình) cho biết, sáng ngày 28/5 có đến BV thì thấy Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) đang tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng máy móc. Sau đó, bị cáo về nhà, không giám sát quá trình sửa chữa của Quốc. Đến chiều cùng ngày, Quốc gọi điện thông báo đã sửa chữa xong.

Sau đó, bị cáo gọi điện cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nhờ khóa cửa vì việc sửa chữa đã kết thúc.

Sơn cũng thừa nhận Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn thông báo ngày 28/5/2017 sẽ có người lên sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước của máy chạy thận. Tuy nhiên, Sơn không biết hợp đồng của công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh.

dsc0044-15264439079671838992115.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

 Sơn cũng khai, theo quy định trước và sau khi sửa chữa đều phải có biên bản bàn giao giữa hai bên là đơn vị sửa chữa và đại diện BV. Tuy nhiên, ngày 28/5, sau khi sửa chữa xong không lập biên bản. Đến ngày 29/5, sau khi xảy ra sự cố mới lập biên bản. Sơn khẳng định việc lập biên bản chỉ để hợp thức hóa hồ sơ.

Tuy nhiên, bị cáo Bùi Mạnh Quốc phủ nhận việc ký vào biên bản bàn giao và không biết biên bản đó do ai lập.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hoàng Công Lương đều khẳng định không được giao phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Đồng thời, cũng không có chức vụ và quyền hạn phân công 2 bác sĩ còn lại, cả 3 bác sĩ cùng hội ý thống nhất. Do cùng có quyền hạn và trách nhiệm như nhau nên các bác sĩ khác cũng có thể ra y lệnh lọc máu. “Bị cáo là bác sĩ nên chỉ có nhiệm vụ chữa bệnh, còn sửa chữa bảo dưỡng không thuộc nhiệm vụ của mình”, bị cáo Lương nói.

Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BV, cho biết trang thiết bị trong khoa Hồi sức Tích cực được quản lý theo quy chế, khi phòng vật tư bàn giao phải có văn bản. Còn việc sửa chữa, bảo dưỡng thuộc phòng vật tư.

Ông Hoàng Đình Khiếu cũng khẳng định bác sĩ Hoàng Công Lương có báo cáo việc sửa chữa hệ thông lọc nước nhưng không báo cáo việc sửa chữa xong, đi vào hoạt động bình thường.

Như đã đưa tin, ngày 15/5, Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án làm 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Theo đó, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi) Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội vô ý làm chết người.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn