Vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em: Bao giờ thi hành án?

10:52 | 04/06/2018;
Sau khi TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy bản án phúc thẩm phạt Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, giữ nguyên bản án sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Bao giờ bản án đối với Nguyễn Khắc Thủy được thi hành? Liệu Nguyễn Khắc Thủy có thuộc diện được tạm hoãn thi hành án vì “bệnh tuổi già”?

Trao đổi với PV về việc thi hành án đối với Nguyễn Khắc Thủy, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nói: Sau khi tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Vũng Tàu với mức án 3 năm tù, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM sẽ gửi quyết định giám đốc thẩm cho cơ quan thi hành án. Cơ quan này sẽ thực hiện thi hành bản án 3 năm tù giam đối với Nguyễn Khắc Thủy.

"Về nguyên tắc, sau khi nhận quyết định giám đốc thẩm, cơ quan thi hành án phải thực hiện thi hành án. Nếu ông Thủy không tự nguyện chấp hành án đúng thời hạn, cảnh sát hỗ trợ tư pháp sẽ thực hiện áp giải ông Thủy để thi hành án. Trong quá trình thi hành án, nếu Thủy rơi vào các trường hợp như bị bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng, cơ quan thi hành án sẽ tạm hoãn thi hành án đối với Nguyễn Khắc Thủy”, Luật sư Tuấn nói.

thuy.jpg
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy
 

Về việc trước đó ông Thủy từng khai bị mắc nhiều bệnh, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng: "Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015), người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 7.1, mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, cụ thể: Người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh.

Ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu...

Tuy nhiên, khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng, chứ không phải chỉ căn cứ vào lời khai của người bị phạt tù”…

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào bệnh già mà được hoãn thi hành án, nếu bị cáo, người bị phạt tù khai bị bệnh thì cơ quan chức năng sẽ cho đi giám định. Căn cứ vào quyết định Hội đồng y khoa, nếu thực sự bệnh nặng cần phải chữa trị thì người đó được đi chữa trị. Khi chữa trị xong, sẽ phải thi hành án như bình thường. Nếu bị bệnh nhưng không thuộc trường hợp được tạm hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật, thì người đó vẫn phải chấp hành hình phạt.

* Như PNVN đã phản ánh, ngày 1/6/2018, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã tổ chức buổi họp giám đốc thẩm, xem xét lại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô với trẻ em.

Các thành viên Ủy ban thẩm phán đã thống nhất chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên bản án của TAND TP Vũng Tàu, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù.

Trước đó, tháng 11/2017, TAND TP Vũng Tàu đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Thủy 3 năm tù.

Ngày 11/5/2018, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của Nguyễn Khắc Thủy. Mặc dù đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hành quyền công tố tại tòa đã bảo lưu quan điểm của VKS trong bản án sơ thẩm, xét không có tình tiết mới nên đề nghị bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

a1.jpg
HĐXX TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô với trẻ em

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm cho rằng bị cáo Thủy chỉ dâm ô với một bé gái, bé gái còn lại không đủ chứng cứ buộc tội nên sửa án sơ thẩm từ 3 năm tù giam xuống còn 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Mức án nói trên đã gây bức xúc trong dư luận bởi hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo đã thực hiện hành vi dâm ô với nhiều trẻ em và thực hiện nhiều lần.

Sau bản án phúc thẩm, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn hỏa tốc báo cáo với VKSND cấp cao tại TP.HCM, VKSND tối cao và yêu cầu xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với bản án phúc thẩm.

Ngày 17/5/2018, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng tòa án cấp phúc thẩm chưa thẩm tra, đánh giá lại toàn bộ chứng cứ mà tòa sơ thẩm đã xem xét kết tội bị cáo Thủy, nhưng đã kết luận không có cơ sở kết tội bị cáo có hành vi dâm ô với em H.A. là chưa có căn cứ, chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

Việc tòa phúc thẩm quyết định cho Nguyễn Khắc Thủy hưởng án treo trong trường hợp này cũng là áp dụng không đúng quy định của Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Cho rằng bản án sơ thẩm trước đó đã xét xử bị cáo là có căn cứ, đúng người đúng tội, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Vũng Tàu.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn