Quá trình giải quyết vụ án, CQCSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Bản kết luận điều tra vụ án số 124/KLĐT/PC45 - Đ3 ngày 16/2/2016, Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án số 131/KLĐT/PC45 – Đ3 ngày 13/6/2016, Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án số 93/KLĐT/PC45 – Đ3 ngày 28/04/2017, Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án số 177/KLĐT/PC45 – Đ3 ngày 10/10/2017. Các Bản kết luận điều tra vụ án đều kết luận bị can Lê Ngọc Lê can tội giết người, quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trao đổi với PV, Luật sư Lê Đình Việt (Công ty Luật TNHH Minh Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – người bào chữa cho Lê Ngọc Lê, cho biết:
Sau khi nghiên cứu kỹ Kết luận điều tra của Công an TP Hà Nội và Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, đồng thời đối chiếu với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với các quy định pháp luật, tôi nhận thấy việc khởi tố và truy tố bị can đối với Lê Ngọc Lê về tội giết người là không đúng, trái với quy định của pháp luật. Dấu hiệu khởi tố, truy tố oan sai cho bị can là rất rõ, cụ thể:
Việc xác định tư cách “người bị hại” của anh Trương Hữu Tiến ngay từ khi chưa khởi tố vụ án thể hiện sự thiếu khách quan.
Căn cứ vào đơn trình báo của Lê Ngọc Lê đề ngày 31/12/2014, biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ngày 31/12/2014 của Công an phường Chương Dương, cho thấy: Ngay sau khi có sự việc nổ súng xảy ra tại số nhà 671 Hồng Hà, khi có điều kiện và cơ hội chạy thoát ra ngoài, Lê Ngọc Lê đã đến ngay Công an phường Chương Dương để trình báo sự việc.
Thời điểm Lê có mặt tại trụ sở Công an phường để trình báo là 20h30 ngày 31/12/2014. Đơn trình báo của Lê có nội dung: khoảng 20h ngày 31/12/2014, khi Lê đang nằm xem ti vi ở nhà thì bị chồng và con dùng súng bắn gây thương tích.
Căn cứ vào đơn trình báo của anh Trương Hữu Tiến đề ngày 31/12/2014, biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ngày 31/12/2014 (của Công an phường Chương Dương cho thấy: thời điểm anh Trương Hữu Tiến có mặt tại trụ sở Công an phường để trình báo là 20h45 ngày 31/12/2014. Đơn trình báo của anh Tiến có nội dung: khoảng 20h ngày 31/12/2014, khi Tiến đi làm về đến nhà thì bị Lê sử dụng súng bắn về phía mình.
Như vậy, nội dung sự việc có thể chưa rõ, nhưng việc Lê Ngọc Lê đến trình báo đầu tiên là đã rõ, Lê đến Công an trình báo được 15 phút thì anh Tiến mới đến.
Mặc dù chưa xác minh để làm rõ, chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, nhưng ngay tại thời điểm tiếp nhận đơn trình báo của anh Tiến (Biên bản ghi lời khai hồi 21h ngày 31/12/2014, Biên bản ghi lời khai hồi 23h ngày 31/12/2014), Công an phường Chương Dương đã xác định tư cách tham gia tố tụng của anh Trương Hữu Tiến là bị hại và toàn bộ quá trình giải quyết vụ án từ thời điểm ngày 31/12/2014 đến nay, anh Trương Hữu Tiến luôn được xác định là “người bị hại” trong vụ án. Trong khi đó, Lê Ngọc Lê được xác định tư cách tố tụng là“người liên quan”, “người bị tạm giữ”, “bị can”...
Ở đây, rõ ràng đã có sự “phân biệt đối xử” ngay từ khi tiếp nhận thông tin về vụ việc. Đáng lẽ, khi thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt trong vụ án này, các thông tin là trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau thì để đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định tư cách tham gia tố tụng của Trương Hữu Tiến trước khi khởi tố bị can đối với Lê Ngọc Lê là “người liên quan”.
Việc ngay từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, tin tố giác đã xác định anh Trương Hữu Tiến là “người bị hại” là trái với quy định của pháp luật, làm mất đi sự bình đẳng trong quan hệ pháp luật hình sự. Chính từ sự không bình đẳng này đã dẫn tới tình trạng thiếu khách quan trong các giai đoạn tiếp theo.
Trong quan hệ pháp luật hình sự, do có “người bị hại” tất yếu sẽ phải có “người gây thiệt hại”. Trương Hữu Tiến và Lê Ngọc Lê là những bên trong một quan hệ pháp luật đối lập về lợi ích, khi Trương Hữu Tiến được xác định tư cách là “người bị hại” thì đương nhiên, không còn cách nào khác sẽ dẫn đến tình trạng suy diễn Lê Ngọc Lê là “người gây thiệt hại”, là bị can, là bị cáo...
Cũng theo hồ sơ vụ án, tôi khẳng định không có căn cứ chứng minh khẩu súng thu giữ được trong vụ án là của Lê Ngọc Lê
Tại đơn xin tự thú ngày 03/01/2015, biên bản về việc người phạm tội ra tự thú hồi 19h30 ngày 03/01/2015, các bản kiểm điểm, các biên bản ghi lời khai trong khoảng thời gian từ chiều ngày 03/01/2015 đến ngày 05/01/2015 tại Công an quận Hoàn Kiếm, Lê khai với nội dung: Khẩu súng Lê sử dụng để bắn là súng tự chế của Trung Quốc, Lê mua ở cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn của một người không quen biết ở chợ cửa khẩu cách thời điểm sử dụng khoảng 01 tuần. Mua súng với giá 07 triệu đồng.
Tuy nhiên, căn cứ vào biên bản tạm giữ đồ vật, biên bản kiểm tra điện thoại, báo cáo chi tiết lịch sử các số điện thoại được xác định của Lê sử dụng, có đủ cơ sở để chứng minh Lê Ngọc Lê không đi Lạng Sơn, không đến cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn vào khoảng thời gian từ ngày 30/11/2014 đến ngày 31/12/2014.
Ngoài lời khai của anh Trương Hữu Tiến với nội dung Lê dùng súng bắn về phía mình thì không có bất kỳ một chứng cứ nào khác để chứng minh khẩu súng thu được tại hiện trường vụ án là của Lê Ngọc Lê.
Tuy nhiên, lời khai của anh Tiến cũng mâu thuẫn với lời khai của Lê. Bản thân Lê Ngọc Lê cũng nhiều lần khai với nội dung: “Sơn cầm trong tay 01 khẩu súng nhỏ, ngắn giống khẩu súng mà trước đó chồng tôi đã dùng để đe dọa tôi. Đây là khẩu súng mà chồng tôi có từ trước khi kết hôn với tôi”.
Trong mối quan hệ pháp luật này, không thể bên trọng, bên khinh, nên lời khai của Lê về việc khẩu súng là của anh Tiến cũng cần được xem xét làm rõ. Như vậy, không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh khẩu súng “tang vật” của vụ án là của Lê Ngọc Lê.
Ngoài những vấn đề trên, còn nhiều bất thường khác trong hồ sơ vụ án về việc Lê có khả năng sử dụng súng tại thời điểm được cho là bắn anh Tiến hay không; hiện trường vụ án có dấu hiệu xáo trộn, được sắp đặt lại…
Được biết, theo dự kiến, ngày 31/7, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Hy vọng, mọi uẩn khúc sẽ được làm sáng tỏ trong phiên tòa sắp tới.
phunuvietnam.vn sẽ tiếp tục thông tin.