Cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra
Được biết, đây là một mái ấm tình thương tư nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ. Mái ấm Hoa Hồng mở cửa từ 8 - 20h hằng ngày, để nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện. Nhưng khi đóng cửa, mái ấm này trở thành "địa ngục trần gian" đối với những đứa trẻ…
Theo dõi sự việc trên Ts. Ls Đặng Văn Cường, Giảng viên Luật Hình sự, Trường Đại học Thuỷ Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự, xử lý đối với các bảo mẫu do nhẫn tâm hành hạ các cháu bé ở cơ sở bảo trợ này.
Ông Cường đánh giá, trẻ em mới vài tháng tuổi, một vài tuổi như những cháu bé trong clip là người hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ bản thân, chỉ cần những hành vi tác động vật lý mạnh tay do cố ý hoặc vô ý khi chăm sóc trẻ là có thể gây ra thương tích, thậm chí khiến các cháu thiệt mạng.
"Các bảo mẫu ở đây hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tâm lý của trẻ nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả trẻ em bị tổn thương. Vậy nên, các hành vi đánh đập hành hạ trẻ em như vậy là hành vi có dấu hiệu tội phạm", ông Cường cho biết.
Trong vụ việc này diễn biến qua clip cho thấy các bảo mẫu liên tục đánh đập, hành hạ các cháu bé vô cùng tàn nhẫn. Ông Cường nhận định, hành vi này có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác, nếu có thương tích hoặc có thể dẫn đến các cháu tử vong thì có thể xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người.
Từ đó, vị luật sư cho rằng, cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc để xác minh làm rõ, khi đã xác định được hành vi đánh đập hành hạ trẻ em, xác định được danh tính của đối tượng thực hiện hành vi, có cơ sở xác định hậu quả do hành vi gây ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý với tổ chức, cá nhân có vi phạm.
"Trong trường hợp kết quả thăm khám điều trị, xác minh, giám định thương tích cho thấy đã có cháu bé bị thương tích thì dù thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bảo mẫu đã có hành vi đánh đập cháu bé về hành vi Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Đó là phạm tội với người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục… nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc nếu nạn nhân không chết thì hình phạt cũng có thể trong khung 3-10 năm tù theo khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự", ông Cường chia sẻ.
Trường hợp các cháu bé không có thương tích, hậu quả chỉ là tổn thương tâm lý, theo ông Cường, cơ quan chức năng vẫn xử lý hình sự đối với các bảo mẫu này về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự do hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc với khung hình phạt có thể tới 3 năm tù.
Sự việc diễn ra như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển hình thành nhân cách của trẻ em, sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, theo ông Cường, sau khi xác minh sự việc thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các bảo mẫu này. Đồng thời, sẽ có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ các cháu bé, chuyển các cháu bé đến các cơ sở bảo trợ công lập, đóng cửa cơ sở này để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Cần thanh, kiểm tra tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội
Vụ việc này gây hoang mang, rung động dư luận xã hội, gây bất bình, bức xúc cho nhiều người. Sự việc này lại một lần nữa là tiếng chuông cảnh tỉnh, cho thấy hành vi bạo hành trẻ em có thể diễn ra bất kỳ nơi đâu, kể cả đó là những mái ấm tình thương, là những lời thiện nguyện mà những gì tô vẽ cho nó rất là nhân đạo, nhân văn.
Nếu không có phản ánh từ những người biết thông tin sự việc, các cơ quan truyền thông không vào cuộc thì có lẽ các cháu bé ở đây vẫn sống trong địa ngục trần gian với những bảo mẫu tàn nhẫn, độc ác như vậy.
Theo ông Cường, vụ án hình sự có liên quan đến hoạt động này có thể xét xử công khai để tuyên truyền pháp luật, răn đe cảnh tỉnh đối với các bảo mẫu vô lương tâm, thiếu đạo đức.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý cơ sở bảo trợ xã hội này, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Cần làm rõ hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội này để xác định qua hành vi bạo hành trẻ em, còn có hành vi nào khác vi phạm pháp luật nữa hay không.
Trong đó có hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập hay không, có phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật đã và đang xảy ra ở đây hay không để xem xét trách nhiệm của cán bộ trong công tác quản lý. Nếu xác định có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông qua sự việc này, ông Cường cũng cho rằng, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành thanh tra kiểm tra đối với tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, phát hiện ra các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 cấp giấy phép hoạt động vào tháng 7/2023.
Nơi đây có chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang. Đối tượng phục vụ của Mái ấm Hoa Hồng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng chăm sóc không quá 39 trẻ.
Điều đáng chú ý là khi kiểm tra thực tế hoạt động của cơ sở này thì tổng số trẻ có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng là 85 trẻ; bao gồm 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi (đang đi học tại Trường Mầm non Sóc Bông), 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện. Số nhân viên tại thời điểm Tổ công tác làm việc là 15 người.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn