Theo Thông báo Kết luận giám định, số 01/TB-VKSHT do Kiểm sát viên Phạm Văn Ni ký, căn cứ vào Kết luận giám định thương tích (bổ sung) số 580/KL-PY ngày 11/11/2020 của Trung tâm pháp y Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, nội dung Kết luận giám định thương tích của cháu Huỳnh Ngọc S. đã thể hiện cháu S. bị "chấn thương sưng nề vùng đỉnh chẩm phải đã được điều trị ổn". Tại Thông báo Kết luận giám định này không thể hiện % thương tật của cháu Huỳnh Ngọc S.
Như báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, khoảng 15h ngày 6/2/2019 (mùng 2 Tết Nguyên đán), tại Phòng bán vé Khu du lịch Mũi Nai, phường Pháo Đài, TP Hà Tiên, cháu Huỳnh Ngọc S., con trai của bà Riêng, đang đi chơi thì bị bà A.T dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu nhiều lần khiến cháu S. bị chảy máu nhiều, choáng váng và nhập viện tại khoa Ngoại Tổng hợp, Trung tâm Y tế TP Hà Tiên, sau đó được đưa lên khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Cháu S. được chẩn đoán "Chấn thương đầu". Ngay sau đó, gia đình bà Riêng đã tới trình báo công an phường Pháo Đài, TP Hà Tiên.
Vào ngày 11/2/2019, bà Riêng đã đứng đơn Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự gửi tới Cơ quan CSĐT Công an Hà Tiên, tố cáo bà A.T và chồng có hành vi tới nhà đe dọa, khiêu khích đâm chém và nhục mạ gia đình bà. Cùng ngày, bà Riêng cũng có đơn Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự vì bà A.T đã có hành vi Cố ý gây thương tích đối với cháu Huỳnh Ngọc S. Thời điểm S. bị hành hung vô cớ, cháu mới 14 tuổi. Cũng trong đơn này, bà Riêng yêu cầu cơ quan công an giám định tỉ lệ thương tật của cháu S., đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Lý Thị A.T về tội "Cố ý gây thương tích".
Tuy nhiên, từ lúc xảy ra sự việc, phải tới 2 tháng 4 ngày sau, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên mới đưa cháu S. đi giám định thương tích. Gia đình bà Riêng nhận được thông báo miệng của cơ quan này rằng, kết quả của việc giám định thương tích của cháu Huỳnh Ngọc S. là 0%.
Ngày 15/5/2019, bà Riêng tiếp tục làm Đơn yêu cầu xử lý hành vi gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe đối với trẻ em gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên và Viện KSND TP Hà Tiên. Tuy nhiên, đơn của bà đã bị 2 cơ quan này từ chối tiếp nhận với lý do: Chờ quyết định giải quyết tố cáo.
Ngày 23/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên đã ban hành văn bản số 602/TB-CQĐT V/v: Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thông báo này nêu: "Ngày 22/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 601/QĐ-CQĐT đối với vụ "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 6/2/2019 tại Khu phố 3, phường Pháo Đài, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, theo quy định tại khoản 2 điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đồng thời ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lý Thị A.T về hành vi "Xâm hại đến sức khỏe của người khác" theo quy định tại điểm e, khoản 3, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ".
Không đồng ý với cách giải quyết này, ngày 24/5/2019, bà Nguyễn Thị Riêng đã gửi Đơn khiếu nại đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên. Tới ngày 24/8/2020, cơ quan này đã ra Quyết định số 856/QĐ-GQKN bác tất cả các khiếu nại của bà Riêng.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Huỳnh Ngọc S., đưa ý kiến: "Việc không ghi nhận lời khai của cháu Huỳnh Ngọc S. về những tổn thương thể chất và tâm lý của cháu như một chứng cứ; không đưa đi giám định thương tích vào đúng thời điểm sớm nhất, tốt nhất để đảm bảo tính xác thực; không ra quyết định khởi tố vụ án là không đúng quy định, có dấu hiệu bao che tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên".
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, cho biết: "Theo quy định của pháp luật, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tin tội phạm xâm hại trẻ em (hành vi bạo lực), Cơ quan CSĐT nơi tiếp nhận nguồn tin phải thực hiện việc đưa đi giám định. Việc cơ quan này chờ tới hơn 2 tháng sau mới đưa nạn nhân đi giám định, kéo dài thời gian để vết thương trên đầu cháu S. lành để có tỷ lệ thương tích thấp nhất nhằm né tránh việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can là hoàn toàn sai. Hơn thế, kết quả giám định thương tích không phải là quá quan trọng khi người bị bạo lực tác động là trẻ em. Cháu S. bị đánh vào vùng đầu là vùng nguy hiểm, hung khí mà bà A.T dùng để đánh cháu là nón bảo hiểm cũng là hung khí nguy hiểm, hành vi chặn đường vô cớ đánh cháu S. của bà A.T là hành vi đê hèn".
Báo Phụ nữ Việt Nam tiếp tục theo dõi và đưa tin về vụ việc này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn