Vụ 'bắt vợ' ở Nghệ An: Chưa từng xảy ra

16:20 | 06/02/2017;
Cán bộ Hội LHPN Quỳ Hợp (Nghệ An) - nơi xảy ra vụ “bắt vợ” gây bức xúc dư luận - khẳng định: Người Thái có tục “trộm vợ” để giảm thủ tục trong lễ cưới truyền thống nhưng kiểu “bắt vợ” như trên chưa từng xảy ra.

Ngày 6/2, chị Lương Thị Huyền, cán bộ Hội LHPN huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cho biết, vụ “bắt vợ” gây xôn xao dư luận mấy ngày qua xẩy ra tại xã Liên Hợp đã được giải quyết ổn thỏa. Theo đó, giữa 2 gia đình đã đi đến thống nhất giải quyết tình cảm.

Như báo PNVN đã thông tin, ngày 4/2 một đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội đã gây bức xúc dư luận. Theo nội dung của clip, một cô gái trẻ đã bị nhóm nam thanh niên khống chế bắt lên xe. Cô gái đã  gào khóc thảm thiết và cố gắng vùng vẫy để thoát thân. Sau đó chị H. đã rơi từ trên xe xuống đường rồi vùng bỏ chạy và nhóm thanh niên đành phải bỏ cuộc.


Sau khi clip “bắt vợ” được tung lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc, công an huyện Quỳ Hợp đã vào cuộc điều tra làm rõ. Theo đó, vụ việc được xác định xẩy ra tại xã Liên Hợp. Người tổ chức bắt vợ là anh Q., trú tại bản Quắn, cô gái bị bắt tên H., trú tại bản Quèn cùng xã.

Chị Huyền cho biết, vụ việc gây xôn xao buộc các cơ quan chức năng trên địa bàn cùng nhau vào cuộc làm rõ. Ngày 6/2, cán bộ Hội LHPN huyện Quỳ Hợp cũng đã về xã Liên Hợp để tìm hiểu. “Sự việc đáng ra không ầm ĩ như vậy nếu anh Q. không nóng lòng muốn cưới vợ”, chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, giữa anh Q. và chị H. từng có thời gian yêu nhau. Bản thân anh Q. rất muốn được sớm cưới chị H. về làm vợ. Tuy nhiên, chị H. cho rằng mình còn trẻ, muốn đi làm thêm mấy năm nữa để có ít vốn liếng lúc đó mới lấy chồng.

Năm ngoái, chị H vào miền Nam làm công nhân và đến Tết mới về. Ra Tết, chị H. vẫn quyết định vào nam làm công nhân tiếp. Ngày 3/2, chị H. ra ngã ba Châu Hợp, huyện Quỳ Hợp để bắt xe khách. Anh Q. biết được nên đã cùng nhóm bạn bắt lên xe để đưa về. Chị H. đã phản đối kịch liệt và cuối cùng đã chạy thoát. Sau đó, chị H. tiếp tục bắt xe vào nam đi làm.

Lãnh đạo xã Liên Hợp đã vào cuộc, mời anh Q. lên làm việc. Q. đã thừa nhận việc “bắt vợ” nói trên là sai trái. “Giữa 2 gia đình cũng đã làm việc với nhau, họ tự hòa giải với nhau, vụ việc vừa qua đã được giải quyết”, chị Huyền cho biết.

co-dau-thai.jpg
Cô dâu người Thái ở Quỳ Hợp làm lễ khi về nhà chồng (Ảnh minh họa)

Cũng theo chị Huyền, xã Liên Hợp có trên 90% là người Thái sinh sống. Tục “trộm vợ” vốn là một nét văn hóa của dân tộc này. Nếu cưới vợ theo truyền thống, người Thái phải trải qua rất nhiều thủ tục rườm rà. Sau khi dạm ngõ, chàng trai phải đến ở rể 1 năm. Hết kỳ ở rể, chàng trai mới tiến hành làm lễ ăn hỏi và lại ở rể tiếp. Sau 2-3 năm, chàng trai mới cưới được cô gái.

Với tục “trộm vợ”, khi chàng trai và cô gái yêu nhau, được 2 gia đình chấp thuận, họ sẽ thống nhất “trộm vợ”. Đây thực chất là cách để đi tắt, giảm thiểu nhiều thủ tục rườm rà của lễ cưới truyền thống. “Tục “trộm vợ” ngày nay vẫn duy trì. Tuy nhiên, trộm như trường hợp anh Q. vừa thực hiện từ trước đến này chưa từng xẩy ra”, chị Huyền khẳng định. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn