Các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông phê chuẩn.
Như tin đã đưa, qua các biện pháp nghiệp vụ, từ ngày 15-17/4, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Chi cục Quản lý nông-lâm-thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản (được Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh) do bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông làm chủ, đang sử dụng dung dịch màu đen (nước hòa với bột than lấy từ lõi cục pin), để ngâm, tẩm, nhuộm đen hỗn hợp (gồm: vỏ càphê, sỏi, đá nhỏ khoảng 0,5-3,0 mm), dùng cối trộn bêtông trộn hỗn hợp, sau đó sấy khô, đóng bao để đưa đi tiêu thụ.
Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn hỗn hợp nêu trên được đóng trong bao bì, 40 lít dung dịch màu đen, 35kg pin bị đập dẹp; 192kg nắp, lõi và vỏ pin.
Sau khi phát hiện vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Đắk Nông đã khẩn trương điều tra, xác minh.
Căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định bắt khẩn cấp 5 đối tượng điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Về mục đích làm ra hỗn hợp, bước đầu Loan và Bảo đều khai nhận để bán cho Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn; Loan và Bảo đã bán được 3 tấn.
Sau đó, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).
Mỗi tấn hỗn hợp được Loan và Bảo bán cho Tuấn là 9 triệu đồng. Sau đó, Tuấn bán lại cho Dung với giá 12 triệu đồng/tấn.
Một phần hỗn hợp trên đã được trộn vào hồ tiêu xô. Tại kho của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung, cơ quan chức năng đã thu 9 tấn hồ tiêu đã được trộn hỗn hợp trên, với tỷ lệ 18,34%. Số hỗn hợp còn lại được pha trộn với vôi, phân lân và phân lợn rồi rải ra lô cao su để tẩu tán tang vật.
Cơ quan Công an đã tiến hành thu giữ được lượng hỗn hợp nêu trên tại kho nông sản của Phan Thị Dung, ở ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Qua xác minh ban đầu, hỗn hợp do Loan và Bảo làm ra đã bị cơ quan chức năng thu giữ, hỗn hợp này chưa được tiêu thụ ra ngoài thị trường.
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông khẳng định việc pha trộn hỗn hợp vỏ càphê trộn với đá, sỏi và nhuộm than pin tại cơ sở thu mua nông sản, thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp do bà Nguyễn Thị Thanh Loan đứng tên đăng ký kinh doanh không phải để làm nguyên liệu chế biến ra càphê bột, tiêu bột. Hỗn hợp trên được làm ra để trộn vào với hồ tiêu xô để làm tăng trọng lượng.