Vụ cháu bé 4 tuổi bị buộc dây: Đừng chỉ lên án 2 cô giáo

20:47 | 30/11/2018;
Không cần clip, không cần những lời bình, bức ảnh một cháu bé bị buộc dây bên cửa sổ đã khiến bao người bức xúc. Đó là cháu bé 4 tuổi học ở Trường mầm non B Trực Đại, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Buồn hơn khi biết cháu có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Cha mất sớm, mẹ trầm cảm bỏ đi, cháu lên 4 tuổi mà chưa biết nói, khiếm thính bẩm sinh và tăng động, phải ở cùng với bà. Một đứa trẻ phái gánh chịu chồng chất thiệt thòi mà chỉ cần một trong những điều đó cũng đủ làm khốn khó một kiếp người.

2 cô giáo mầm non, có thể xuất phát điểm từ sự nể nang muốn giúp đỡ bà của em bé nên nhận em vào lớp. Nhưng cùng với sự thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết về giáo dục trẻ khuyết tật như một đặc thù, đã dành cho em một sự đối xử khá đặc biệt.

Cũng có thể hiểu, việc buộc dây lên áo không phải là một hình phạt mà chỉ là một cách để kiểm soát cháu bé.

Với trẻ khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật trí tuệ, điều cần nhất cho các em đó là việc tạo dựng những mối liên hệ với cộng đồng, với xã hội. Đó chính là những phương tiện, cầu nối để em có thể vượt qua những rào cản và phát triển trí tuệ của mình một cách tốt nhất.

buoc-day-be-mam-non-2-15434924868031356627353.jpg
Cháu bé bị buộc dây vào cổ áo

 

Bên cạnh đó, khoa học cũng đã chứng minh, hơn ai hết các em cần sự yêu thương, cảm thông, cần những cách giao tiếp đặc thù để kết nối với cộng đồng. Những năm tháng đầu đời chính là “thời gian vàng” để giúp các em phá vỡ "vỏ bọc" tạo nên bởi những khiếm khuyết bẩm sinh.

Cách thức quản lý mà 2 cô giáo dành cho cháu bé đó có thể không phải bằng bạo lực nhưng chắc chắn sẽ cô lập, tách em ra khỏi bạn bè cùng lứa tuổi.

Ở góc độ xã hội, phần nào cũng có thể cảm thông với 2 cô giáo, bởi lớp học mầm non chưa có bất cứ một trang bị nào cả về kiến thức và cơ sở vật chất dành riêng cho trẻ khuyết tật. Chắc chắn trong điều kiện đó, ít nhiều các cô cũng đã rất vất vả với sự hiện diện của 1 cháu bé như vậy trong lớp học của mình.

Luật Người Khuyết tật đã được ban hành năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011, quy định khá đầy đủ về quyền được giáo dục, quyền được học nghề, tạo việc làm và hòa nhập xã hội nói chung. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác hỗ trợ, đảm bảo quyền được giáo dục, được làm việc, được hòa nhập cộng đồng của nhiều người khuyết tật vẫn còn rất "khiêm tốn".

Đến thời điểm hiện tại, trên cả nước, những ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật vẫn vô cùng hiếm hoi và chỉ có thể tìm được ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Trong vài năm gần đây, khi tự kỷ là một hiện tượng trở nên phổ biến, đặc biệt ở các đô thị, cha mẹ các cháu bé vẫn nan giải trong việc tìm kiếm các cơ sở giáo dục cho con theo học. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán, điều trị chủ yếu vẫn phụ thuộc vào điều kiện của gia đình có trẻ tự kỷ.

Mỗi khi trẻ tự kỷ xin vào nhập học, các trường lại miễn cưỡng nhận học sinh và không khỏi coi đó như là một gánh nặng. Với chương trình giáo dục chung, các cháu thường gặp khó khăn để theo kịp chúng bạn.

Nếu ngay tại đại phương đã có những cơ sở giáo dục dành riêng cho trẻ khuyết tật, chắc chắc gia đình sẽ cho cháu theo học, 2 cô giáo trên cũng không phải tiếp nhận cháu bé và câu chuyện đau lòng sẽ không xảy ra.

Để người khuyết tật được quan tâm, chia sẻ và trên hết là tạo điều kiện phát huy khả năng bản thân, hòa nhập cộng đồng thì cần nhất là cộng đồng phải sẵn sàng cho điều đó. Khó lòng đòi hỏi sự chủ động đến từ người khuyết tật khi họ đã bị hạn chế bởi những khiếm khuyết. Tuy nhiên, mỗi người trong xã hội lại có thể chủ động hỗ trợ họ hoặc ít nhất không kỳ thị, tạo điều kiện để họ hòa nhập.

Sau khi sự việc xảy ra, việc lên án, "ném đá" 2 giáo viên mầm non trường Trực Đại B là điều quá dễ dáng. Song, câu hỏi cần đặt ra: trách nhiệm của mỗi người và các cơ quan chức năng để những câu chuyện đau lòng như thế không tái diễn. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn