Ngày 16/7, PV Báo PNVN liên tục liên hệ với chị Cúc có con thi THPT Quốc gia năm nay, song điện thoại của chị Cúc không bắt máy. Theo thông tin từ các đồng nghiệp đang có mặt ở Hà Giang, khá nhiều phụ huynh đã từ chối trả lời liên quan đến điểm thi bất thường ở tỉnh này.
Trong khi đó, khoảng 2 ngày trước, giữa lúc vụ việc vẫn đang "nóng" khi các cơ quan đang vào cuộc làm rõ tình hình thì báo chí vẫn có thể tiếp cận được thông tin từ phía phụ huynh, trong đó có những cha mẹ có con thi năm nay dù không phải ở danh sách top điểm cao song vẫn bị ảnh hưởng từ dư luận.
Khi được hỏi về sự việc đang được đông đảo cha mẹ học sinh quan tâm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho hay, bản thân ông cũng đang nóng lòng muốn biết những kết quả thanh tra, kiểm tra ban đầu của Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang về vấn đề điểm thi cao bất thường.
“Chỉ đến khi có những kết quả ban đầu đó, mới có căn cứ để đánh giá được việc thi cử đã diễn ra như thế nào tại đây. Chứ bây giờ, dù có nói gì thì sự việc cũng đã xảy ra rồi, tôi không muốn xới xáo vấn đề này thêm vì như vậy chỉ càng khiến cha mẹ, học sinh hoang mang mà thôi”, ông Tùng Lâm cho hay.
Trong khi đó, chia sẻ trên trang cá nhân, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - giáo viên luyện thi môn Hóa học tại Hà Nội - cho biết, thầy không dám tin vào những chia sẻ của thí sinh P.H - một trong những thí sinh đạt 9,5 môn Vật lý.
Theo đó, trả lời với báo chí, P.H. tự đánh giá mình học kém Vật lý nhất trong 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển A1. Thí sinh này nói làm chắc khoảng 25-30 câu và cho rằng “những câu đầu không khó”. Những câu khó hơn, P.H. hỏi các bạn xung quanh.
“Em thi tại điểm trường THPT chuyên Hà Giang. Phòng thi có 2 hay 3 bạn cùng lớp. Em hỏi ý kiến được khoảng 3-4 câu. Giám thị không để ý mấy”, P.H. thông tin.
“Hãy nhớ rằng gần 1 triệu thí sinh đi thi năm nay chỉ có 2 điểm 10 và 19 điểm 9.75 môn Vật lý và năm nay mỗi thí sinh chỉ có 50 phút để giải quyết 40 câu, mỗi thí sinh 1 đề thi khác nhau. Thế mà bạn của P.H lại có thể thừa thời gian và trí tuệ để giúp bạn của mình giải thêm 3-4 câu (đương nhiên là những câu rất khó) để đạt điểm 9.5.
Ai tin? Tôi thì không dám tin, bởi nếu vậy thì bạn của P.H hẳn là phải siêu giỏi và siêu rảnh.
Hoặc bây giờ cứ giả như những điều mà P.H nói là thật, xin mời Bộ Giáo dục và Bộ Công an điều tra kỷ luật phòng thi, xem tại sao có 3 thí sinh ở các vị trí khác nhau, đề thi khác nhau trong phòng mà lại có thể giúp nhau làm 3-4 câu khó nhất trong đề. Với kết quả tổng hợp ở Hà Giang thì đây chắc chắn không phải là phòng thi duy nhất có tình trạng này”, thầy Ngọc viết.
Hiện vụ việc vẫn đang chờ kết quả kiểm tra của các cơ quan liên quan. Cho đến chiều nay, 16/7, vẫn chưa có thông tin phản hồi chính thức của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Hiện phụ huynh, học sinh của tỉnh đang rất lo lắng, bởi thời điểm tuyển sinh đang rất cận kề, họ mong muốn sớm có kết luận để kết quả thi của hàng nghìn thí sinh của tỉnh không bị ảnh hưởng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 46 thí sinh có điểm số chênh lệch bất thường. Trong đó, có 3 môn cao trên 9 điểm (điểm dùng xét tuyển theo khối là 3 môn), các môn còn lại rất thấp.
Cụ thể thí sinh 50002... đạt Toán 9,4; Vật lý 9,75; Hóa: 9,25 nhưng Sinh đạt 2,25; Tiếng Anh: 3.
Thí sinh có số báo danh 050018... đạt Toán 9,6; Vật lý: 9,75; Tiếng Anh: 9,2 nhưng Sinh học chỉ được 1,75; Văn: 2,25.
Thí sinh có số báo danh 050001... môn Toán được 9. Vật lý: 9,5; Tiếng Anh: 9,4, nhưng Hóa học chỉ được 1,25; Sinh học: 2,75.
Thí sinh có số báo danh 050010... đạt Toán 9 Vật lý 9,5 Hóa 9, trong khi đó Sinh học: 1,25 và Tiếng Anh: 1,6.
Sự bất thường này còn thể hiện ở chỗ, tỉ lệ điểm từ 8 của cụm thi này gần gấp đôi tỷ lệ chung cả nước, cụ thể có 36 thí sinh tại Hà Giang đạt trên 27 điểm, bằng một nửa của cả nước. Trong khi đó, Hà Giang chỉ có 5.000 thí sinh, còn cả nước có 1 triệu sĩ tử.