Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa mới đây cho biết, vụ việc một học sinh bị tát 231 cái ở trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã được chính Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh về sự phản giáo dục, bị xã hội lên án. Việc khởi tố vụ án cũng là điều cần thiết được cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.
Tuy nhiên, với tình huống phát sinh là Hiệu trưởng trường này phát phiếu khảo sát học sinh với 19 câu hỏi để làm rõ về vụ việc, bà Nghĩa cho rằng đây là hành vi quá thiếu năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường.
“Trước một sự việc rõ ràng, hiệu trưởng phải xử lý thì lại làm một việc là yêu cầu học sinh thực hiện khảo sát. Việc làm này cho thấy Hiệu trưởng trong vụ việc đã thiếu kinh nghiệm, trách nhiệm, đạo đức và nghiệp vụ. Chúng tôi đã yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình chỉ đạo xử lý nghiêm và báo cáo bộ sớm” - bà Nghĩa nói.
Vấn đề khiến dư luận bức xúc ở chỗ, mặc dù bị phản ứng từ nhiều phía, song Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh – bà Phạm Lệ Anh lại cho rằng điều này không có gì sai trái. Theo bà, việc khảo sát nhằm tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, trong phiếu khảo sát đều ghi rõ họ tên và chữ ký đầy đủ của học sinh.
Là nhà báo, và cũng là một bậc cha mẹ, anh Trương Anh Ngọc (Hà Nội) tỏ ra bức xúc trước hành vi nói trên. Anh đã đưa ra những phân tích xác đáng để khẳng định rằng hành vi của nhà trường là hoàn toàn sai trái.
Theo anh, nhà trường có thể tiến hành điều tra theo kiểu của nhà trường, nhưng nếu mà lấy "lời khai", lại còn ghi tên và giới tính một cách rõ ràng theo như phần viết của học sinh này, thì nhà trường đã lạm quyền, lấn sân sang phần của công an, hoặc cơ quan công tố.
“Nhà trường có thể tiến hành hỏi các học sinh về vấn đề này, thậm chí bằng văn bản, nhưng phải được sự chấp thuận của người giám hộ (bố mẹ, hoặc người được ủy quyền bảo vệ quyền lợi của trẻ vị thành niên). Sẽ không một hành động mang tính pháp lý nào được thực hiện liên quan đến quyền của trẻ nếu như không có sự chấp thuận của người giám hộ. Không thấy nhà trường nói gì về vấn đề này cả” – anh Ngọc phân tích.
Điều mà nhà báo Trương Anh Ngọc cảm thấy bức xúc, đáng lên án, chính là 23 đứa trẻ được lấy phiếu điều tra của Hiệu trưởng, đều là nạn nhân của hành vi thiếu đạo đức của người lớn, mà ở đây là cô Hiệu trưởng.
“Đấy là tư duy giáo dục chỉ hướng đến việc vâng lời, chỉ muốn tạo hình các em thành “con ngoan trò giỏi”, theo tư duy áp đặt của người lớn mà không dạy chúng sự phản biện. Đến khi các em thực sự muốn phản biện, muốn đặt câu hỏi thì từ nhà trường bảo đó là hư, là hỗn. Họ muốn bọn trẻ thành cái gì? Tiếp tục là những thế hệ cúi đầu?”- anh Ngọc bức xúc.
TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục cũng tỏ ra bất bình trước hành vi phản cảm của Hiệu trưởng trường này. Ông cho rằng, người này đang tìm mọi cách để lấp liếm, chối tội. Điều này đáng lên án, bởi điều mà nữ Hiệu trưởng cần làm là đứng ra xin lỗi nhà trường, học sinh vì đã để xảy ra vụ việc, làm ảnh hưởng đến các em.
Cách làm này, theo ông là cần phê phán mạnh bởi người chịu ảnh hưởng trực tiếp, nếu không muốn nói là nạn nhân của tất cả câu chuyện này, chính là các em học sinh.
Trước đó, vào chiều 19/11, khi phát hiện em H.L.N, học sinh lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Bình) nói tục, cô giáo chủ nhiệm của lớp này là Nguyễn Thị Phương Thủy (sinh năm 1977) đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N.
Sự việc đã khiến học sinh này phải nhập viện điều trị. Được biết, lớp 6.2 có 27 học sinh, chiều đó có 3 bạn vắng nên học sinh này bị 23 bạn và cô chủ nhiệm tát tất cả 231 cái.
Chiều 26/11, Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cho biết đã ra Quyết định số 03/CSĐT khởi tố vụ án hình sự để điều tra./.