Thông tin phụ huynh này đưa trên mạng xã hội, do phải đi làm sớm nên 13h15 phút chị phải đưa con đến cổng trường. Theo thông báo của Ban giám hiệu nhà trường, những bạn không ăn bán trú 13h30 mới được có mặt. Đi được một đoạn, chị quay lại thì thấy con vẫn đứng ở cổng trường.
Con chị nói, do các chị Sao đỏ không cho con đứng trong sân trường. Phụ huynh này bức xúc cho biết, chỉ vì thi đua mà con chị phải đứng cổng trường giữa trưa nắng như vậy. Trước đó, con chị cùng một vài học sinh nữa đến sớm còn bị cô giáo phê bình trước lớp khiến chị rất bức xúc.
Khi thông tin được đưa lên, cả xã hội "ùa vào" mắng giáo viên và nhà trường vô cảm, vô trách nhiệm, không nhân văn… Thế nhưng, đứng ở góc độ những người trong ngành giáo dục, phụ huynh này cũng có lỗi.
Việc đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên và nhà trường trong hoàn cảnh này khiến các giáo viên không đồng ý. Chị Đỗ Việt Nga (trường Tiểu học Trưng Trắc, Hà Nội) nêu ý kiến: "Các phụ huynh có sức đón con về trưa để chăm con, vậy tại sao các phụ huynh không thể đưa con đúng giờ cổng trường mở? Tại sao phụ huynh lại yêu cầu con phải được vào trong trường ngồi chỗ mát khi mà học sinh bán trú chưa ngủ dậy? Phụ huynh không thể lo cho con mà lại bắt nhà trường phải lo? Tuy cô giáo xử lý hơi gắt nhưng tại sao phụ huynh chỉ biết đòi hỏi? Học sinh đứng nắng là do cha mẹ để con nắng, trách nhiệm của cha mẹ là đầu tiên!"
Chị Nga cho rằng, phụ huynh không thấy vấn đề của mình, chỉ vì thương con mà đổ lỗi cho giáo viên. Phụ huynh đưa con đi sớm, nếu con không an toàn thì lại đổ tại nhà trường. Chính phụ huynh không lo an toàn cho con mà sự an toàn của học sinh lại khiến nhà trường lo nhất. Thế nên, nhà trường làm đúng nguyên tắc, yêu cầu cha mẹ đưa học sinh đến đúng giờ trường mở cửa.
Theo TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên trường ĐHSP Hà Nội), nhà trường không cho các con vào trường sớm hơn quy định là có nguyên do. Bởi, khi được vào trường, các con sẽ chơi đùa, la hét trong sân trường, phá giấc ngủ các bạn bán trú. Số học sinh trong trường đến sớm không ít, từ vài chục đến cả trăm học sinh. "Các con vào trường sẽ nghịch ngợm đủ thứ. Mỗi năm, một vài đến vài chục trường hợp ngã do trèo lan can, trượt tay nắm cầu thang và các tai nạn khác xảy ra trong các trường tiểu học. Đó là chưa kể các con còn tò mò ổ điện, bốt điện. Số tai nạn này xảy ra khi có người lớn (giáo viên, bảo vệ...) đi khắp nơi theo dõi, quản lý, có nội quy để ngăn các bạn phá… Các con vào trường mà không có ai để mắt đến thì nguy hiểm đến thế nào", TS Vũ Thu Hương phân tích.
Ngoài ra, trông trưa các lớp thường là các cô, bác bán trú, không phải cô chủ nhiệm. Các cô, bác này chỉ có trách nhiệm với các bạn trong danh sách bán trú. Các bạn khác, cô/bác nói chắc chắn sẽ không nghe lời. Hơn nữa, các bạn không trong danh sách mà xảy ra chuyện, các cô/bác cũng không giải quyết nổi vì không biết là con của bố mẹ nào. Hơn nữa, cho các con vào trường vô tư sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu lọt vào trường. Năm 2016, ở một ngôi trường tiểu học tại Hà Nội đã có vụ việc 1 em bé bị một người lạ xâm hại trong nhà vệ sinh. Việc các cháu nhỏ lẻn vào trường phá phách, trộm đồ đạc không hề ít.
Việc các học sinh đến sớm có thể lẻn đi chơi điện tử hoặc đi ăn uống ngoài cổng trường. Không có danh sách để nhà trường quản lý những học sinh này. Sợ nhất là, các học sinh đến sớm có thể gặp tai nạn giao thông do chạy ra đường chơi mà không ai quản lý.
Trước những nguyên do trên, theo TS Vũ Thu Hương, nếu trẻ muốn được vào trường sớm do cha mẹ bận, chắc chắn các cha mẹ phải có lời với cô giáo và nhà trường. Nếu không, nhà trường không cho vào là đúng. "Khi mình cần, mình phải ngỏ lời đề nghị" là điều các cha mẹ dạy con mình. Sao chính cha mẹ lại không làm? Nội quy các trường không cho các con vào trường ngoài thời gian quy định là hợp lý và đảm bảo an toàn cho chính các con. Nội quy này áp dụng trên cả nước. Các cha mẹ khó khăn nên bắt nhà trường phá bỏ nội quy? Vậy các con sẽ nghĩ sao về nội quy và các luật lệ khác?".
TS Vũ Thu Hương không phủ nhận, việc cô giáo đã xử lý không khéo trong câu chuyện trên. Tuy nhiên, không thể không nói, phụ huynh cũng vô trách nhiệm với con. "Bố mẹ rất giỏi trong việc "trăm sự nhờ thầy cô". Thế nhưng, thầy cô không đáp ứng là thầy cô không có tâm và cần được "ăn chửi". Liệu có ai nghĩ đến những ảnh hưởng mà bọn trẻ phải chịu từ những phương án "đầy tình thương" này không?", TS Vũ Thu Hương băn khoăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn