Vụ Khá Bảnh: Giải mã hiện tượng thần tượng ‘lệch chuẩn’ trong giới trẻ
19:01 | 04/04/2019;
Trong số công chúng theo dõi Khá Bảnh tiềm tàng xu hướng cổ súy những gì mang tính phá cách, lệch chuẩn, vượt thoát ra khỏi những không gian, trật tự bình thường của đời sống xã hội.
Có lẽ, khi báo chí rùm beng những clip phản cảm của Khá Bảnh, nhiều người mới giật mình về việc tại sao những nội dung như vậy lại thu hút tới gần 2 triệu lượt theo dõi. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh lúc đó mới biết rõ “thần tượng” của con mình là ai, những video clip ấy có nội dung thế nào…?
Câu hỏi được đặt ra là, tại sao có sự lệch chuẩn về thần tượng của giới trẻ như vậy?
Khi thần tượng ‘lệch chuẩn’
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, phó giáo sư, tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Thông tin kinh tế xã hội (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho hay, đây là một hiện tượng và chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt trong tương lai.
Theo chuyên gia xã hội học này, mạng xã hội phát triển mạnh sẽ là môi trường giúp cho các nhân vật như Khá Bảnh có cơ hội thể hiện những màn múa may quay cuồng, nhố nhăng kệch cỡm, khác đời, lệch chuẩn xã hội và thu hút sự quan tâm của một bộ phận giới trẻ.
Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình nhận định, nếu kênh YouTube Khá Bảnh không bị xóa, có lẽ giờ này số người theo dõi sẽ còn vượt ngoài con số 2 triệu người. Trong số này, chắc hẳn sẽ có một bộ phận xem bởi tò mò, xem cho biết; nhưng cũng sẽ có những bộ phận xem để chia sẻ, làm theo. Điều đó cho thấy rõ ràng là một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ, đang quan tâm tới Khá Bảnh.
Lý giải nguyên do, theo ông Bình, đó là trong số các công chúng ấy tiềm tàng xu hướng cổ súy những gì mang tính phá cách, lệch chuẩn, vượt thoát ra khỏi những không gian, trật tự bình thường của đời sống xã hội.
“Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là có 1 tính sẵn sàng ở trong suy nghĩ, tình cảm, trong tâm thức của cộng đồng trẻ này nên sự tiếp nhận mới dễ dàng như thế,” ông Bình nói.
Ngoài tính sẵn sàng, những hoạt động, clip của Khá Bảnh có hành vi như một sự hối thúc, vẫy gọi và khi công chúng thể hiện sự sùng phục, mê đắm, tôn sùng thì sẽ hướng đến câu chuyện là ước làm được làm như vậy.
Ông Bình cho rằng, nếu không gỡ bỏ kênh YouTube đó, thì không biết trong thời gian tới có bao nhiêu người chia sẻ và điều này sẽ tạo ra sự bất ổn trong xã hội. “Chúng ta có thể thấy những nhân vật làm điều quái gở, dị biệt… thường đã rất gần gũi với hành vi lệch chuẩn và một khi giới trẻ sung phục, đi theo, học tập theo thì câu chuyện lan nhiễm ‘bệnh tật’ trong tâm hồn, trong suy nghĩ là câu chuyện có thật. Đây là điều nguy hiểm,” ông Bình nhấn mạnh.
Phân tích về chuyện tại sao giới trẻ muốn vượt qua khuôn khổ chật hẹp, theo chuyên gia Nguyễn Hòa Bình, ở đây có tác động nhiều chiều.
Trước tiên, cần phải nói tới giá trị của cộng đồng đang theo đuổi, chúng ta đang sống trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ và nơi đó đầy thách thức và cam go. Những giá trị ở từng khu vực, chỗ này chỗ khác đang có việc bị đảo lộn. Chúng ta thường nói tới sự lên ngôi của đồng tiền, ứng xử được thị trường hóa trong khi an sinh xã hội là câu chuyện cố gắng thực thi hàng ngày… Do đó, sự tốt đẹp đến từng ngày nhưng kết quả thì còn đang phía trước.
Thứ hai, trong những môi trường, bối cảnh, không gian như nhau nhưng con người ta có thể hành xử không giống nhau. Một bộ phận giới trẻ, cộng đồng mạng được trang bị tốt hơn, có bản lĩnh, bản sắc, chiều sâu văn hoá đủ mạnh, đủ tốt thì sẽ chống lại được những cái lệch lạc từ bên ngoài xâm chiếm.
Thứ ba là về giáo dục. Giáo dục trong ba môi trường: xã hội, gia đình và nhà trường. Trên bình diện xã hội thì người ta cho rằng phải theo đuổi những giá trị mạnh mẽ hơn. Có thể nói câu chuyện tăng trưởng kinh tế đã thấy nhưng mục tiêu xã hội ít nhiều bị xem nhẹ. Trong khi đó, nền giáo dục của chúng ta đưa lại nhiều thành tựu nhưng nó đã trở nên cũ, lỗi thời, không đáp ứng được trong thời đại 4.0. Tất cả những điều đó, khuôn khổ cũ đã trở nên chật hẹp, các giá trị xã hội bị xem nhẹ hơn giá trị tăng trưởng kinh tế.
Còn trong đời sống gia đình, xu hướng làm ăn, làm giàu, gần đây nhất là xu hướng thỏa mãn nhu cầu cá nhân ngày càng tăng của mỗi thành viên trong gia đình. Điều này cũng là yếu tố góp thêm vào việc giáo dục, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho giới trẻ trở nên thiếu hụt.
“Phải chăng các yếu tố gồm xã hội đi kèm với những vấn đề lỗi nhịp và lạc điệu của giáo dục thời kỳ mới, sự suy giảm chức năng cơ bản của thiết chế gia đình đã tạo nên những xu hướng bộ phận giới trẻ đang chạy theo những hành vi lệch chuẩn, nhìn nhận những giá trị đó như nhân tố mới, tích cực cần vươn tới để khẳng định bản thân,” ông Bình đặt câu hỏi.
Thiếu hình tượng tiêu biểu?
Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình cũng đặt vấn đề về việc phải chăng giới trẻ đang thiếu hình ảnh, hình tượng có giá trị trung tâm, tiêu biểu cho thời đại mới. Bởi lẽ, lâu nay chúng ta thấy trên bình diện chính trị xã hội đưa ra nhiều hình mẫu nhưng khá hành chính, gò bó và “quốc doanh.” Trong khi đó, có lẽ hình ảnh, thần tượng của giới trẻ ngày nay nay phải mạnh mẽ và nhiều cung bậc song cũng phải đời thường hơn.
“Chúng ta nên bàn thêm về việc làm của những Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh tại sao lại có sự ‘đồng cảm’ của một bộ phận giới trẻ? Đó là họ nhìn thấy những hành vi có thật thay vì những thứ chúng ta đang xây dựng, vun đắp hình tượng mang nặng lý thuyết, một chiều hoặc giáo điều,” ông Bình nhận định.
Do đó, chuyên gia này cho rằng những người có trách nhiệm phải quan tâm đến vấn đề này. Thay vì dạy dỗ mang tính đối phó, tìm cách gạt bỏ, “chém chặt” thì cần những giải thích, tương tác để cho chính giới trẻ lên tiếng. Cần phải tạo diễn đàn, môi trường, không gian để giới trẻ tham gia, bình luận, thậm chí tranh đấu với nhau để tìm hình mẫu xứng đáng trong thời đại mới để họ làm theo.
Ở góc độ gia đình, theo ông Bình là người ta đang chú ý tới việc nhồi nhét để con được đi học nước ngoài, thành kỳ tài chứ không phải để hoàn thiện nhân cách, để trẻ em trở thành chính bản thân chúng. Ngoài ra, chức năng chăm sóc lẫn nhau cũng trở nên xơ cứng vì mọi người ai làm việc nấy, bậc phụ huynh chỉ tạo tiền bạc mà thiếu sự ‘kiểm soát’, chia sẻ, thành người tâm giao, tương tác với con cái trong quá trình phát triển…
Trong khi đó, ở nhà trường thì hình thức giáo dục cũ kỹ, thiên về trang bị tri thức nặng nề, thiếu giải trí về mặt tinh thần. Hiện nay, những giờ chơi, tương tác, giờ để cho trẻ ở các cấp học dưới phát triển rất ít…
Theo ông Bình, tất cả những việc này đó đang tạo nên một điều lệch lạc là trẻ em đang trở nên tự do trong việc tiếp cận vào Internet, tìm kiếm những câu chuyện khác nhau.
Mặt khác, mạng xã hội không phải nơi sinh ra những trường hợp như Khá Bảnh nhưng nó là phương tiện để tiếp tay, là môi trường để hiện tượng này nảy sinh, phát huy ảnh hưởng trong giới trẻ. Do đó, ông Bình cho rằng cần có việc kiểm soát, làm cho môi trường Internet trở nên lành mạnh.
Bắc Ninh: Khởi tố bị can Ngô Bá Khá về tội tổ chức đánh bạc
Chiều 3/4, Thượng tá Nguyễn Công Khôi, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết, đã khởi tố vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép, khởi tố bị can Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh, sinh năm 1993, trú tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) về tội tổ chức đánh bạc và ra lệnh bắt tạm giam các bị cáo trong vụ án.
Ngô Bá Khá bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc. Các bị can: Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1987, trú tại xã Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Hữu Hội (sinh năm 1989, trú tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Ngô Lương An (sinh năm 1985, trú tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Trịnh Hữu Quý (sinh năm 1992, tại xã Lạc Vệ, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị khởi tố về tội đánh bạc trái phép.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an thị xã Từ Sơn và Công an huyện Tiên Du triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh chuyên án đối với nhóm tội phạm do Ngô Bá Khá cầm đầu.
Ban chuyên án đã thu giữ một số vật chứng liên quan đến hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc của Ngô Bá Khá và đồng bọn gồm: một ngày cáp đề của “Khá Bảnh” (thu gần 100 triệu đồng tiền mặt), hai máy tính xách tay, một máy tính để bàn, ba gậy bóng chày, một đao, 4 dao nhọn, một xe ô tô KIA Sorento biển kiểm soát 99A-196.53 cùng một số giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc.
Ngô Bá Khá là nhân vật “nổi tiếng” trên mạng xã hội, biệt danh là “Khá Bảnh” với kênh Youtube có hàng trăm nghìn người đăng ký theo dõi. Trên mạng xã hội, “Khá Bảnh” đã có những video phát ngôn và hành động tiêu cực như đập phá và đốt xe máy, dừng xe, chụp ảnh giữa đường cao tốc… đáng bị lên án.
Trước đó, năm 2011, “Khá Bảnh” bị đưa vào trường giáo dưỡng. Sau đó, liên tiếp trong hai năm 2014, 2016, Khá bị Công an thị xã Từ Sơn bắt giữ về hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.