Vụ liệt khi châm cứu: BV Dệt May vi phạm luật

06:00 | 24/08/2016;
Châm cứu khiến bệnh nhân liệt tại chỗ nhưng Bệnh viện Dệt May vẫn tìm cách thoái thác trách nhiệm. Luật quy định, việc tìm ra nguyên nhân là trách nhiệm của bệnh viện nhưng bệnh viện này vẫn chây ì, mặc cho gia đình bệnh nhân đau đớn, khổ sở.

Như báo PNVN đã thông tin, ngày 23/5/2016, anh Nguyễn Văn Khắc Trung (SN 1966, ở phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến bệnh viện Dệt May châm cứu chữa mỏi vai gáy. Đang châm anh Trung thấy đau buốt và sau khoảng 10 phút bị liệt tứ chi.

Anh Trung đã được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai mổ nhưng không thể cứu vãn tình thế. Hiện anh Trung bị liệt từ ngực trở xuống và nằm một chỗ. Hai tay có thể cử động được nhưng rất yếu và gần như mất hết cảm giác. Vệ sinh cá nhân không còn làm chủ được.

Sau khi xẩy ra sự cố, phía Bệnh viện Dệt May đã không nhận lỗi và cho rằng anh Trung bị bệnh trước đó và khi đến châm cứu không may bị liệt. Từ ngày 17/6/2016 đến nay, gia đình anh Trung đã gửi đơn khiếu nại đến rất nhiều nơi nhưng không được giải quyết.

Bệnh viện Dệt May nói rằng, cần thành lập một Hội đồng chuyên môn mới kết luận được vì sao anh Trung bị liệt khi đang châm cứu. Tuy nhiên, đã mấy tháng trôi qua nhưng Hội đồng chuyên môn vẫn không được thành lập.

1.jpg
Từ một người khỏe mạnh, anh trở thành phế nhân sau khi châm cứu

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), khi xảy ra rủi ro trong khám chữa bệnh, bệnh viện phải thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá sự việc, sau đó công bố cho người bệnh biết. Trong trường hợp người bệnh không đồng ý với công bố này thì có thể đề nghị lên cấp chủ quản của bệnh viện đó.

Việc thành lập Hội đồng chuyên môn đã được quy định rất rõ trong Luật Khám chữa bệnh, cụ thể ở từ điều 73 đến 78. Cũng theo TS Quang, Hội đồng chuyên môn thành lập phải có quyết định, thành phần, nội dung làm việc và kết luận...

Điều 74 của Luật Khám chữa bệnh nêu rõ: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tự thành lập hội đồng chuyên môn hoặc nếu không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập hội đồng chuyên môn”.

Trong khi đó, đơn của gia đình bệnh nhân Nguyễn Văn Khắc Trung được gửi tới BV Dệt May từ ngày 17/6/2016, đến nay gia đình bệnh nhân chưa thấy có Hội đồng chuyên môn nào được thành lập. Như vậy, bệnh viện Dệt May đã vi phạm pháp luật.

2.jpg
Chị Nguyễn Liên Hương (vợ anh Trung) rất bức xúc vì đã gửi đơn đi khắp nơi nhưng không được giải quyết

Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư BQH và cộng sự, cho rằng: Dù BV Dệt May thuộc quản lý của Tập đoàn Dệt May và Bộ Công Thương thì về chuyên môn vẫn thuộc quản lý của ngành y tế. Việc chậm thành lập Hội đồng chuyên môn cùng với việc đơn được “chuyển tiếp” thì cần xem xét lại khâu quản lý.

 “Tại sao chưa thành lập Hội đồng chuyên môn? Bao giờ được thành lập?” là điều cần làm rõ. Trong trường hợp này, có thể thấy Bệnh viện Dệt May đã vi phạm Luật Khám chữa bệnh, cố tình ì ra dù trách nhiệm tìm ra nguyên nhân bệnh nhân bị liệt thuộc bệnh viện này”, Luật sư Hưng nói. 

Luật sư Hưng cũng tỏ ra băn khoăn về việc đơn đã được gửi tới Thanh tra Bộ Y tế nhưng Thanh tra Bộ Y tế lại chuyển đơn sang Thanh tra Bộ Công thương. Luật sư Hưng cho rằng: “Khiếu nại của gia đình bệnh nhân là khiếu nại về kỹ thuật châm cứu chứ không phải vấn đề quản lý. Thẩm định về kỹ thuật y khoa thì phải là cơ quan y tế, nếu chuyển đơn phải là “đề nghị phối hợp giải quyết” chứ không phải là chuyển thẳng đơn bản chính để “đề nghị giải quyết”.

PNVN tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Điều 74 của Luật Khám chữa bệnh nêu rõ:

  1. Trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh thì thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
  2. Việc thành lập hội đồng chuyên môn được quy định như sau:
  3. a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tự thành lập hội đồng chuyên môn hoặc nếu không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập hội đồng chuyên môn;

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp phải thành lập hội đồng chuyên môn.

  1. b) Trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định tại điểm a khoản này, các bên có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ Y tế phải thành lập hội đồng chuyên môn.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn