Vụ ly hôn của chủ cà phê Trung Nguyên: Con trai động viên bà Thảo không nên tiếp tục chịu khổ

20:21 | 21/02/2019;
Đầu giờ phiên tòa buổi chiều nay (21/2), bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại không đồng ý rút đơn ly hôn. Trước đó, cuối phiên xử buổi sáng, sau khi nghe vị chủ tọa phiên tòa vận động, bà Thảo đã đồng ý rút đơn ly hôn trực tiếp tại tòa.

Con trai động viên mẹ không nên tiếp tục chịu khổ

Lý giải về việc này, bà Thảo cho rằng, sáng nay bà xin rút đơn ly hôn tại tòa nhưng ông Vũ không đồng ý. Vào buổi trưa, con trai bà từ nước ngoài đã gọi điện về động viên mẹ và mong muốn bà hãy tiếp tục ly hôn để chấm dứt mọi chuyện ở đây. “5 năm qua, mẹ đã chịu khổ quá nhiều rồi, nên mẹ không cần phải tiếp tục chịu đựng nữa”, bà Thảo cho biết con trai đã nói như vậy, vì thế, bà quyết định đề nghị tòa tiếp tục xử ly hôn.

Khi HĐXX hỏi về việc phía ông Vũ đề nghị chia tài sản theo tỉ lệ 70-30, bà Thảo cho rằng đề nghị này không có căn cứ về mặt pháp luật và đạo lý.

Về việc bị đơn đề nghị, sau khi phân chia tài sản, bị đơn sẽ trả cho bà Thảo bằng tiền mặt để bà giao lại cổ phần cho ông Vũ, nhưng bà Thảo không đồng ý. 

 

ca_phe_4_tcro.jpg
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa sơ thẩm

 

Phía luật sư của bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% Ccổ phần Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên, ông Vũ 39%, vì ở Công ty này có 2 nhóm cổ đông. Nhóm thứ nhất là ông Vũ, mẹ ông Vũ và chị gái ông Vũ chiếm 70%. Với tỉ lệ này, ông Vũ có 10% cổ phần. Vì vậy, tổng số cổ phần ông Vũ có là 49%. Một bên 51% và một bên 49% sẽ không có việc bên nào dùng ý chí của mình để áp đặt, các bên đều có quyền biểu quyết trong đại hội cổ đông, bà Thảo có quyền tham gia vào hoạt động của công ty này và đảm bảo quyền bà mẹ và trẻ em...

Không đồng ý với đề nghị của bà Thảo, ông Vũ vẫn giữ nguyên tỉ lệ chia 70-30% và chu cấp cho 4 người con mỗi năm 10 tỉ đồng.

Khi VKS đặt câu hỏi với bà Thảo về đóng góp cho Trung Nguyên khi khởi nghiệp bằng một số tiền, việc này có chứng cứ gì không? Đại diện phía bà Thảo cho biết thời buổi ấy không có bằng chứng gì.

Tại phiên tòa này, nhiều lần ông Vũ đã vung tay và chỉ trích bà Thảo với những lời lẽ khá gay gắt.

Suốt hai ngày qua, bà Thảo hầu như chỉ im lặng mỗi khi bị ông Vũ chỉ trích, nhưng đến chiều nay, bà đã bức xúc nói trong nước mắt: Anh nên dừng lại. Lâu nay tôi chịu đựng không nói vì tôi gìn giữ hình ảnh tốt đẹp của anh trong mắt các con, anh nói gì tôi cũng im lặng. Nhưng đến lúc này, tôi không thể tiếp tục nín nhịn, anh xúc phạm tôi đã đành, nhưng còn xúc phạm đến cả mẹ tôi. Hôm nay, mẹ tôi đọc báo chí thấy vậy, bà đã rất đau lòng. Tôi không sai gì hết. Không cho phép anh tiếp tục sỉ nhục tôi…

Bà Thảo có công sức lớn trong việc thành công của Trung Nguyên

Ở phần tranh luận, phía bảo vệ quyền lợi cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, về phân chia tài sản, việc phân chia phải tuân thủ theo nguyên tắc: Phân chia có tính sự đóng góp công sức của mỗi bên. Ông Vũ là người sáng lập đầu tiên và duy nhất Công ty Trung Nguyên. Căn cứ giấy phép xin thành lập công ty từ những năm 1996 thì đứng tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ và 4 người bạn là sinh viên. Sau khi đổi tên và thành lập Công ty cà phê Trung Nguyên thì đứng tên ông Đặng Mơ (bố đẻ ông Vũ đã mất) và ông Vũ.

ca_phe_3_xmlc.jpg
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa sơ thẩm

 

Còn việc kết hôn với bà Thảo là năm 1998, sau khi thành lập Trung Nguyên được 2 năm. Bà Thảo chỉ tham gia vào thành viên Công ty Trung Nguyên ở thời điểm sau này. Vì vậy khẳng định người sáng lập duy nhất ra thương hiệu cà phê Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Việc ông Vũ đề nghị phân chia cổ phần theo tỷ lệ 70/30 là đủ căn cứ thực tế và pháp lý. Trung Nguyên chỉ có thể giao cho ông Vũ chứ không phải là ai khác.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, các luật sư của ông Vũ hầu hết chỉ tập trung vào việc ca ngợi ông Vũ là người sáng lập, là người tài hoa và Trung Nguyên có được như ngày hôm nay là hoàn toàn nhờ vào ông Vũ, còn bà Thảo không có đóng góp nhiều. Họ lấy đó làm cơ sở để đề nghị phân chia tài sản theo tỉ lệ 70 – 30, nhưng lại không đưa ra được một cơ sở pháp lý cụ thể nào.

Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 59 Luật HN&GĐ thì cho dù bà Thảo chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con đi nữa thì tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân vẫn là tài sản chung, khi ly hôn sẽ xem xét chia đôi.

Về vấn đề tài sản, công sức của bà Thảo phải được đánh giá đúng và khách quan, ngang bằng. HĐXX nên căn cứ vào các yếu tố sau để quyết định sự phân chia: Xuất phát điểm về hoàn cảnh gia đình của ông Vũ, bà Thảo khi tạo lập, thành lập công ty. Toàn bộ các công ty đều được tạo lập trong thời gian hôn nhân của ông Vũ, bà Thảo. 

ca_phe_1_vxqz.jpg
Phiên tòa sơ thẩm ngày 21/2. Ảnh: Dân Việt

 

Vị luật sư cũng nêu nhân thân của bà Thảo sinh ra và lớn lên trong gia đình có kinh tế, cha mẹ buôn bán kinh doanh vàng bạc. Bản thân bà Thảo được đào tạo, học hành bài bản... là nền tảng tạo nên bà Thảo hôm nay. Luật sư khẳng định bà Thảo đóng vai trò và có công sức đóng góp ngang bằng, chính yếu trong sự tạo lập, xây dựng, giữ gìn và phát triển tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Đây là nguyên tắc quan trọng để xem xét khi phân chia tài sản chung vợ chồng. Không có một nguyên tắc nào yêu cầu bà Thảo, người phụ nữ phải vì phụng sự chồng con, gia đình chồng mà từ bỏ sự nghiệp của mình.

Phiên tòa kéo dài đến gần 19h mới kết thúc phần tranh luận và sẽ được tiếp tục vào 14h30 ngày 25/2.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn