Vụ ly hôn ở tập đoàn Trung Nguyên: ‘Thẩm phán đã vượt qua tầm của Hiến pháp và các bộ luật’

10:51 | 07/06/2019;
Đó là nhận định của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội bên lề phiên họp tổ chiều 6/6 về vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên. Theo ông Nhưỡng, vụ án này có nhiều điều bất thường trong cả quá trình thụ lý và xét xử. PNVN trích lược những ý chính của ông Nhưỡng nói về vụ án này.
lbn1.png
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội

Với một thương hiệu lớn như Trung Nguyên, nếu chúng ta không đảm bảo được yếu tố pháp lý, yếu tố công bằng, tính tư pháp của vấn đề thì việc xóa sổ một doanh nghiệp, một tập đoàn là câu chuyện sẽ xảy ra. Chúng tôi rất lo ngại về chất lượng xét xử của vụ ly hôn này. Bản thân tôi là người giúp việc trong việc cải cách tư pháp, tôi cảm nhận được đây là một trong những vụ việc, vụ án mà xét xử gây ra nhiều bình luận trái chiều nhất về một tập đoàn.

Tôi là một trong những dân Việt Nam rất tự hào về thương hiệu Trung Nguyên, bật mí với các đồng chí là khi đi công tác nước ngoài, tôi thường mang café Trung Nguyên đi để giới thiệu, giới thiệu rất nhiều các bạn là đồng nghiệp là Giáo sư của tôi ở các nước, tặng cho họ sản phẩm café của Trung Nguyên và nói với họ rằng: Các ông uống Matcha, loại café của chúng tôi rất đậm đà, đây là một trong những loại café chất lượng cao mà tôi rất tiếc là các ông không tiếp cận được. Họ uống xong họ xin tôi 1 -2 gói nhỏ, đây là điều tôi cảm thấy rất tự hào. Nhưng qua vụ án này làm cho tôi mất đi niềm tự hào với Trung Nguyên, cho nên tôi thấy ai mà khôi phục được thương hiệu này, tức là khôi khục được niềm tự hào của cá nhân tôi cũng như của nhiều người thì tôi hoàn toàn ủng hộ.

Vừa qua, bà Thảo có gửi đơn kêu cứu tới tôi. Vì thế, chúng tôi đã chuyển đơn đến đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật pháp…, cũng như các luật tố tụng có liên quan để đảm bảo tính công lý, tính công bằng và tính tư pháp của vụ án này.

tuyenan.jpg
HĐXX sơ thẩm vụ án này

Về bản án bị kháng nghị chắc chắn chúng ta biết rồi, việc kháng nghị bản án đó không nằm ngoài dự đoán của mọi người. Ở đây không phải là câu chuyện bênh vực ai, mà vấn đề quan trọng là chúng ta phải đứng trung lập để xem xét.

Tôi lấy ví dụ như một điểm mà ai đọc đến bản án đó thì cũng thấy rất buồn cười, đó là không ai cho phép tòa án được bắt người này chỉ nhận tiền mà không được nhận cổ phần, mà đấy chính là tài sản của họ, có nghĩa là anh đã đi vượt qua tầm của Hiến pháp và các đạo luật như Bộ luật Dân sự để anh phế bỏ quyền sở hữu tài sản của một người. Đó là không được phép, tôi lấy đấy là một ví dụ, một trong những điểm là hố đen chứ không chỉ là một vết trong bản án này và tôi cho rằng, không một thẩm phán nào có thẩm quyền đó, không một hội đồng xét xử nào được thẩm quyền quyết định một cách ngang tai trái mắt như vậy.

Đương nhiên tôi phải nghiên cứu đơn và có nhiều vấn đề cần phải đặt ra. Thứ nhất, bà Thảo rất phàn nàn và không bằng lòng về hoạt động tố tụng. Rồi các vấn đề có liên quan tới lời khuyên của thẩm phán. Bà Thảo cho rằng còn có đoạn “lừa bà ấy” để thực hiện các việc để hợp pháp hoá cho các vấn đề pháp lý. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn, nhất là đối với vụ án có khối tài sản khổng lồ như vụ án này, nếu chúng ta không làm cẩn thận sẽ nảy sinh những xung đột tiếp theo.

Thứ 2, điểm tôi thấy băn khoăn lớn nhất chính là “toà án tự quyết định thay các đương sự”. Toà án không có thẩm quyền quyết định việc “người này thì được giữ cổ phần, người kia không giữ cổ phần”. Bởi vì, cổ phần không chỉ liên quan tới tài sản mà còn liên quan tới quản lý công ty. Hiện nay về mặt thực tế, theo bà Thảo, bà ấy đang bị tước đoạt quyền điều hành công ty theo quy định của pháp luật. Tôi cho như thế là không đúng. 

Có thể khẳng định, việc ép buộc bà Thảo phải chuyển nhượng cổ phần của mình cho ông Vũ là lỗi của tòa án, của chính Hội đồng xét xử. Vì vậy, ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới, tôi nghĩ các thẩm phán sẽ phải hết sức thận trọng khi xem xét các vấn đề pháp lý có liên quan tới doanh nghiệp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn