'Vụ mất chân cần găm vào tâm can người làm y tế'

10:43 | 18/03/2016;
Nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ nhất là ở tuyến dưới là việc cộng đồng mạng mong muốn sau vụ HS lớp 10 ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị cưa chân vì sự tắc trách, yếu kém của bác sĩ địa phương.
Hãy giúp đỡ, đừng xoáy sâu vào nỗi đau

Trên trang cá nhân của mình, facebooker Võ Xuân Sơn - một bác sĩ công tác tại TP. HCM cho rằng: Có hai vấn đề mà chúng ta cần quan tâm lúc này, đó là làm gì cho người bệnh, và làm sao để đừng xảy ra những sai sót như vậy nữa bởi "chúng ta không được quyền để cho sự kém may mắn của cô gái kia trở nên hoàn toàn vô nghĩa".

Vị bác sĩ viết: "Chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi. Việc xác định nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm là việc của cơ quan quản lí. Mọi bài báo xoáy sâu vào những đau khổ, thiệt thòi đều chỉ làm cho cô gái kia và gia đình cô ấy thêm đau buồn và tuyệt vọng".

Theo đó, facebooker này cho rằng, một cơ quan truyền thông liên quan đến y tế nào đó, có thể đứng ra thực hiện một cuộc đóng góp, để nhân viên y tế đóng góp, giúp đỡ cho cô gái kia có thêm điều kiện mau chóng hội nhập với cuộc sống bình thường.
  Nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị mất một chân do sự tắc trách của bác sĩ
"Mất một chân là một thiệt thòi không gì bù đắp được, nhưng nó không phải dấu chấm hết. Ba tôi có hai người bạn, một người mất cả hai chân, một người mất cả hai tay. Cả hai người đều là tấm gương sáng trong lao động và trong cuộc sống. Các bác vẫn tự tay cuốc đất, trồng cây, tự phục vụ mọi công việc. Những ai đã từng sống ở Khải Xuân, Phú Thọ đều biết về hai bác thương binh này" - bác sĩ nhấn mạnh.

Vấn đề quan trọng nữa mà facebooker Võ Xuân Sơn muốn nhấn mạnh là làm sao để câu chuyện này không lặp lại, không xảy ra nữa: "Việc xác định chính xác nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm và kỷ luật những nhân viên y tế liên quan là việc cần làm, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần rà soát lại công tác đào tạo, cần xác định chuẩn đầu ra của một bác sĩ y khoa, và xem lại việc thực hiện chương trình CME (Continuous Medical Education - đào tạo y khoa liên tục). Có thể ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, cho dân tộc thiểu số, cho các chương trình địa phương... được dễ dàng tiếp cận với chương trình đào tạo, nhưng bắt buộc khi ra trường phải là một bác sĩ đạt chuẩn. Các khóa CME ngắn hạn, không thể cứ đăng kí học, đóng tiền là có chứng nhận".
 Hình ảnh chân bị hoại tử của em Lê Hà Vi
Vượt tuyến vì không tin bác sĩ tuyến dưới

Facebooker Nguyễn Tiến Tường - một nhà báo công tác tại TP. HCM lại đề cập đến việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên: "Hình ảnh một cô bé lớp 10 đẹp như thiên thần bị cưa cụt một chân, hy vọng có thể găm vào tâm can người làm y tế, thôi thúc câu trả lời cho vấn đề này".

Facebooker này viết: "Ở Sài Gòn, có vô Chợ Rẫy mới thương người bệnh. Nhiều người đầu quấn băng, tay truyền nước nằm co quắp ở hành lang. Mặc kệ, người ta bằng mọi giá phải đến đây, vì không thể tin bác sĩ tuyến dưới".

Theo đó, Facebooker Nguyễn Tiến Tường cho rằng, đề án giảm tải của Bộ Y tế đã có nhiều năm rồi nhưng chỉ thay đổi được hạ tầng bệnh viện chứ chưa thể thay đổi con người, thành ra không hiệu quả. Anh viết: "Làm sao bắt các bác sĩ rời thành phố lớn với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng (khi mở phòng khám tư) về tuyến dưới? Làm sao để cải thiện năng lực bác sĩ tuyến dưới? Làm sao để người dân không còn vượt tuyến? Những câu hỏi dài thêm với bao nhiêu cái chết, bao nhiêu số phận bi thương". 

Trước đó, ngày 6/3, em Lê Thị Hà Vi bị tai nạn giao thông trên đường đi học về và được đưa vào BV Đa khoa Cư Kuin cấp cứu. Theo chẩn đoán, Vi bị gãy mâm chày chân và phải bó bột. Sau khi bó bột, bệnh nhân kêu đau, chân bị sưng, phần dưới không còn cảm giác. Gia đình đã đề nghị tháo bột và cho chuyển tuyến nhưng bệnh viện không đồng ý. Mãi đến 11/3, chân bệnh nhân không còn cảm giác, bệnh viện mới cho chuyển tuyến. Tuy nhiên, chân bệnh nhân đã bị hoại tử nên các bác sĩ BV Chợ Rẫy vẫn phải cắt bỏ gần hết chân phải. Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin đã thừa nhận lỗi do bác sĩ yếu kém chuyên môn, tắc trách trong công việc khiến bệnh nhân phải cắt cụt chân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn