Bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có trao đổi với báo chí liên quan tới vụ nghi vấn mì Hảo Hảo chứa chất cấm theo cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland.
Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu 2 doanh nghiệp báo cáo, yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm của TPHCM kiểm tra quy trình sản xuất và việc tuân thủ các quy định của 2 doanh nghiệp này thế nào. Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của các đơn vị này.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khẳng định 2 doanh nghiệp tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, 2 doanh nghiệp này khẳng định không phải tất cả các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Ireland và Na Uy bị yêu cầu phải thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định theo thông báo của nhà chức trách các nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, quy định ngưỡng cụ thể về chất ethylene oxide giữa các quốc gia không giống nhau. Ví dụ Ireland đánh giá ethylene oxide là vượt ngưỡng nhưng lại thấp hơn so với Mỹ. Các doanh nghiệp khẳng định các sản phẩm được sản xuất riêng cho thị trường EU chứ không sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.
"Bộ Công Thương cũng cần thêm thời gian để phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các sản phẩm của 2 doanh nghiệp này, để xác định việc tuân thủ quy định là như thế nào, đặc biệt là chất lượng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có đáp ứng được hay không", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Liên quan đến việc xác định được chất ethylene oxide vượt ngưỡng trong mỳ ăn liền bị các nước châu Âu yêu cầu thu hồi, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin, đến nay các doanh nghiệp cũng chưa xác định được chất ethylene oxide có trong thành phần nào của sản phẩm, tại sao lại lẫn vào sản phẩm, có phải ở mỳ, bột hay gia vị không…
Việc bây giờ là các doanh nghiệp phải cùng với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam để xác minh rất rõ vấn đề, xác định chất ethylene oxide ở trong thành phần nào của sản phẩm.
"Đây là việc rất quan trọng. Các cơ chức năng Việt Nam tại nước ngoài đã trực tiếp liên hệ và làm việc với cơ quan chức trách của các quốc gia có liên quan để làm rõ các yêu cầu trong vụ việc này", ông Đỗ Thắng Hải thông tin thêm.
Trước đó, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã có văn bản đề cập về vấn đề này, cho biết hiện nay, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng ethylene oxide trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này.
Đối với Hoa Kỳ và Canada, hiện nay, 2 quốc gia này cho phép sử dụng ethylene oxide trong khử trùng thảo mộc và rau củ khô. Úc và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với ethylene oxide.
Tại Việt Nam, chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng hợp chất ethylene oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm.
Chính vì vậy, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương khuyến cáo, các nhà sản xuất cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn