Theo kết quả này, chị Tạ Thị Thu Trang và người đàn ông tên Đ. ở Gia Lâm (Hà Nội) không có cùng huyết thống. Trước đó, gia đình ông Đ. đã chủ động liên hệ với chị Trang và và ngỏ ý muốn thử xét nghiệm ADN, vì ông thấy có những điều trùng hợp và ông cho rằng rất có thể chị Trang là con mình.
Đơn đề nghị xét nghiệm ADN của chị Trang và ông Đ. |
Gia đình ông Đ. có 4 người con, 3 gái, 1 trai. Ông Đ. nói rằng, chị Trang có ngoại hình rất giống với một người con khác trong gia đình. Hơn nữa, ông Đ. cũng có một người con gái tên Đặng Thị Dần sinh cùng ngày 10/10/1974 với chị Trang tại nhà hộ sinh quận Ba Đình. Sau khi ông Đ. ngỏ lời, chiều ngày 14/3, chị Trang và ông Đ. đã đi làm giám định ADN.
Do đã chuẩn bị tâm lý từ trước nên khi được bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội thông báo kết quả, chị Trang và gia đình cũng không quá thất vọng. Chị Trang cho biết, dù có vất vả hay mất bao lâu nữa, chị cũng sẽ tiếp tục hành trình đi tìm những người ruột thịt của mình.
Năm 2015, cũng tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Trang đã làm xét nghiệm và tìm ra sự thật họ không phải là mẹ con ruột. Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, việc nhầm con không phải là hiếm. Khoảng 20 năm làm nghề phân tích AND, bà Nga đã gặp khoảng 10 trường hợp nhầm.
Chị Trang cho biết sẽ tiếp tục hành trình tìm ruột thịt |
Năm 1974, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi), nhà ở 75 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình (ở phố Phan Huy Ích). Bà Hạnh mang số 33, nhưng sau đó nhận được đứa trẻ mang số 32. Ngay lúc đó bà Hạnh đã thắc mắc nhưng được nữ hộ sinh cho biết là đó là số 33 bị mờ do tắm. Sau này bà Hạnh vẫn nghi ngờ nên đã đi xét nghiệm ADN thì chính xác người con có tên là Tạ Thị Thu Trang không phải là con ruột của bà. Mong muốn trước lúc nhắm mắt sẽ tìm được đứa con thất lạc nên mới đây bà Hạnh đã đưa câu chuyện lạc con của mình lên các phương tiện truyền thông.