Liên quan đến vụ việc em NT.H.Y (lớp 9, trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên) bị nhóm bạn đánh hội đồng, lột quần áo, quay clip, trao đổi với PNVN, PGS.TS Trần Thu Hương cho biết đây là vấn đề bạo lực học đường và cha mẹ phải chịu trách nhiệm chính.
Theo PGS. Hương, việc bị hành hung khiến nạn nhân H.Y. tổn thương rất lớn. Ngoài đau đớn về thể xác, nạn nhân còn bị lột quần áo khiến tâm lý bị tổn thương rất lớn. Tổn thương này giống như sang chấn tâm lý, khiến nạn nhân rơi vào sợ hãi, sợ tiếp xúc với người xung quanh. Có thể, nạn nhân sẽ cô lập, thu mình và không muốn tiếp xúc với người khác hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu. Những người sức khỏe yếu nếu không vượt qua được sự việc này sẽ có những hành động không thể lường hết được, thậm chí tìm đến cái chết để trút bỏ sự xấu hổ.
PGS Hương cho rằng, độ tuổi từ 11 đến 18 là giai đoạn các em xác định bản sắc, định hình vị trí của mình. Việc một số đối tượng giang hồ tham gia vào vụ việc này sẽ khiến các em lẫn lộn giữa trắng với đen, không hiểu được hành vi nào cần lên án. Vì thế, làm cho tư duy, định hình của các em nhỏ không rõ ràng. Đó cũng là nhân tố khiến các bạn học sinh rối loạn trong việc định hướng hành vi của mình.
Theo PGS Hương, hành động phát ngôn của một số người trên mạng xã hội như nói tục, chửi bậy nhưng vẫn được giới trẻ thần trường như Khá Bảnh, Minh Tuyền trong trường hợp nào đó các em thấy hay ho, bởi trong độ tuổi này các em luôn tò mò, muốn tìm cảm giác mới. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó trẻ sẽ thấy không ổn. Do đó, giáo dục từ nhà trường và gia đình đóng vai trò quan trọng, trong sự phát triển nhân cách của trẻ. Trong đó, giáo dục gia đình chiếm vị trí quan trọng bởi suốt cuộc đời trẻ gắn bó với gia đình, còn nhà trường thì chỉ trong một giai đoạn trong một thời gian nhất định.
Trong gia đình, bố mẹ là người làm gương và luôn phải gương mẫu. Nếu các con có hành vi sai trái thì bố mẹ không phải phê phán đúng hay sai mà cần phân tích đúng hay sai ấy như thế nào để con nhận thức rằng giới hạn được phép và không được phép. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, bố mẹ phải luôn thằng thắn, theo dõi, sát sao với các em để phát hiện những thay đổi của trẻ và hướng xử lý kịp thời.
Như trường hợp ở Hưng Yên, gia đình các em tham gia hành hung phải phân tích vì sao con em mình lại có hành vi đấy. Hành vi đó từ đâu ra? Có thể nơi phát sinh ra hành vi đó ngoài gia đình nhưng cái chính gia đình không phân tích xem cái nào là giới hạn và được phép làm. Rõ ràng, những hành vi đó chưa được phân tích nên các bạn không biết nó gây tổn hại đến những người khác như thế nào. Cho nên các học sinh cho rằng được phép và bạn bè có thể sử dụng với nhau dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. “Việc nhóm bạn có hành vi gây tổn hại đến người khác không chỉ lỗi của các bạn mà còn lỗi của người lớn, nhà trường”, PGS. Hương nhìn nhận.