Vụ "rắn ngậm phong bì": Xin đừng dùng áp lực "mềm" để bác sĩ phải làm quá

15:44 | 19/09/2022;
Ngày 17/9, hình ảnh logo "lạ" của Bộ Y tế trong một cuộc thi do Bộ tổ chức lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó, thay vì hình ảnh logo chuẩn của Bộ y tế thì logo này lại 'để' con rắn ngậm phong bì.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bác sĩ Trần Hồng Đức (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu & nam học, Bệnh viện E, chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Bác sĩ Trần Hồng Đức (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

"Một biểu tượng làm cho nhiều người đã từng trải qua những thất vọng, những bức xúc với ngành Y được một lần "cởi mở tấm lòng"...!

Lướt qua một số trang và bình luận thì phần lớn là những ngôn ngữ bức xúc với ngành Y nói chung. Đặc biệt là 1 số chuyên khoa như: Sản, Ngoại, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ung thư... số ít là có ý kiến trung lập và chia sẻ cũng như so sánh sự thiệt thòi của ngành Y với những ngành nghề khác!

Là một nhân viên y tế (NNYT) cũng đã ngoài 10 năm trong nghề, bạn có chạnh lòng không khi những giá trị hàng ngày bạn đang gìn giữ bị đối xử như vậy? Thay vì bực tức thì tôi thấy buồn hơn!

Có thể họ không nói quá và cũng không nói sai, họ nói những gì họ gặp phải khi lâm vào tình cảnh yếu thế nhất đối với mỗi con người đó là khi gặp vấn đề về sức khoẻ! Khi ốm đau mình thường được mọi người thăm hỏi động viên, cho quà cho tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn đó! Nhưng đi bệnh viện, họ phải cầu cạnh nhờ vả và cả "phong bì" để mong được khám-chữa sớm và tốt!

Về cơ bản, khi bước chân vào ngành Y không một NVYT nào mong muốn làm giàu bằng "phong bì" của người bệnh! Mong muốn đầu tiên là có thể giúp được người nhà mình, người thân cũng như họ hàng khi có vấn đề về sức khoẻ. Thứ hai là một công việc hay là một cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình riêng. Thế nhưng vì sao nên nỗi?! Đó là một quá trình mà 2 bên "làm hư" cũng như đẩy nhau đến tình cảnh người khoẻ "ăn" của người ốm!

Nếu ai cũng giữ được văn hoá xếp hàng, tuân thủ thứ tự ưu tiên, tôn trọng chuyên môn của các thầy thuốc để được khám, điều trị và chăm sóc đúng đủ, kịp thời, không cần "quá" thì người bệnh sẽ được phục vụ đúng theo nguyên tắc chúng tôi được đào tạo và phân cấp theo đúng chuyên môn!

Người bệnh và người nhà luôn tạo áp lực để NVYT làm quá những gì theo nguyên tắc để mong muốn những gì tốt nhất cho người bệnh, đa số là áp lực "mềm" như gọi cho người thân và trong tiềm thức là phải "phong bì" luôn thôi; một vài nơi là áp lực cứng như chửi bới đe doạ và hành hung!

Xin thưa, đừng dùng"phong bì" để tự mua chuộc sự yên tâm về sức khoẻ cho bản thân hay người thân của mình mà hãy là người bệnh thông thái!

NVYT chúng tôi chắc chắn đâu đó còn những vấn đề chưa được như mong muốn của người bệnh. Nhưng về cơ bản NVYT mỗi ngày đi làm đều mong làm tròn nhiệm vụ ở mỗi vị trí công việc của mình để sức khoẻ và tính mạng người bệnh được an toàn thì NVYT mới an toàn được!

Là người bệnh thông thái thì hãy có nhiều lựa chọn, với hệ thống Y tế công đang thay đổi và hoàn thiện về thái độ phục vụ, hệ thống Y tế tư nhân ngày càng mở rộng và phát triển về chuyên môn thì người bệnh sẽ được đáp ứng đầy đủ cả về chuyên môn và chất lượng dịch vụ!

Y tế là một ngành "nghề" đặc biệt, NVYT cũng đang mong chờ một chế độ đặc thù hơn nữa để đỡ lo phần nào cơm áo gạo tiền, để có thể mạnh dạn "mắng" người bệnh khi họ cố cho "phong bì" vào 2 túi áo trắng này!

Mỗi ngành nghề, mỗi con người đều có lòng tự trọng và niềm tự hào của mình, hãy cùng cố gắng gìn giữ và ước mong ngày mai luôn tốt đẹp hơn!"

Vụ "rắn ngậm phong bì": Xin đừng dùng áp lực "mềm" để bác sĩ phải làm quá - Ảnh 1.

Logo chính thức của Bộ Y tế với biểu tượng mang ý nghĩa cao đẹp, tôn vinh ngành Y.

 

TS.BS Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện E

"Nếu đây là sự nhầm lẫn không cố ý thì lịch sử đang chết dần và teo tóp trong quá trình chia sẻ, dạy và học nên mới có chuyện logo Bộ Y tế bị biến thành 'rắn ngậm phong bì". Sự cẩu thả đến từ sự không hiểu biết, không được chia sẻ là như vậy.

Thử hỏi tất cả các Trường đại học hiện nay, khi sinh viên học tập, cán bộ sau đại học đi học nâng cao kiến thức có được mấy tiết để thế hệ tiền bối chia sẻ về lịch sử đào tạo chuyên ngành, sự phát triển của trường đại học? Trong khi có quá nhiều môn xã hội khác lại có thời lượng giảng dạy kéo dài...

Có mấy sinh viên trước khi vào trường chịu khó tìm hiểu danh nhân y học như: Pasteur, Yersin, Galien... là ai? Họ ở đâu? Làm gì?... Rồi trường mình sẽ học ban đầu ở đâu? Hiệu trưởng thời A, thời B là gì?... Biểu tượng ngành mình từ đâu mà có? Ý nghĩa ra sao? Ai chọn? Bảo em yêu nghề này nên mới thi vào học? Mấy người yêu thật? Có khi là vì bố mẹ, người thân định hướng: Con, cháu học trường này, ngành kia đi... ra trường dễ xin việc, việc nhẹ lương cao đấy...

Truyền thống cần phải hun đúc, kế thừa nhưng cần hơn là sự chia sẻ... cho nên qua câu chuyện này... ngay ngày nhập trường, xin góp ý đôi chút: Các thầy hãy cho tân sinh viên đi vào thăm quan phòng truyền thống, chia sẻ cho tân sinh viên các câu chuyện, sự tích về danh nhân của ngành... Như thế các em sinh viên mới thêm tự hào mà cố gắng để thấy rằng mình đã lựa chọn đúng, sẽ có động lực học tập hơn.

Đừng để phòng truyền thống làm cho có, ban truyền thông làm lấy lệ... bởi bản chất môn lịch sử bây giờ không được ưu tiên ngay từ thuở mẫu giáo, phổ thông... Thử hỏi có mấy học sinh khối A, B, D, V... có ham thích lịch sử? Và có mấy học sinh khi thi, trước khi chọn trường tìm hiểu lịch sử trường, ngành mình sẽ theo học, sẽ làm việc trong tương lai?

Và mấy bác tuyển dụng có bao giờ đặt câu hỏi cho ứng viên: "Cậu có biết gì về cơ quan của chúng tôi không? Cậu/cô cho chúng tôi biết ngành cậu học ra đời từ khi nào?". Tôi tin rằng lúc đó sinh viên sẽ lục tung tài liệu để tìm hiểu mọi thứ về cơ quan, trường lớp của mình ấy chứ. Khi thường có những câu hỏi lúc tuyển dụng như trên thì sẽ ít khi có chuyện nhầm hay thiếu hiểu biết như thế này.

Biểu tượng này đáng ra phải là "Chim bồ câu đưa thư" thì đẹp biết mấy... Đáng buồn cho sự nhầm lẫn vô ý hay hữu ý này."

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn