Vào ngày 12/8/1985, chuyến bay mang số hiệu 123 của hãng hàng không Japan Airlines đã gặp một tai nạn vô cùng thảm khốc. Được biết, chiếc máy bay Boeing 747SR này dự kiến sẽ có hành trình xuất phát từ sân bay Tokyo Haneda đến thành phố Osaka. Thời gian bay dự kiến ban đầu là 54 phút.
Vào thời điểm đó, Nhật Bản đang chuẩn bị đón Ngày lễ Obon, nhu cầu trở về nhà bên gia đình của nhiều người là rất lớn. Do vậy, chuyến bay này đã kín chỗ ngồi với 509 hành khách và 15 phi hành đoàn. Tuy nhiên, ít ai ngờ được rằng, ngày đoàn tụ này lại trở thành thảm kịch tang thương sau khi máy bay gặp tai nạn bất ngờ.
Vào lúc 18h12 (giờ địa phương), JAL123 hoàn thành việc cất cánh từ đường băng 16L một cách bình thường. Tuy nhiên, chỉ 12 phút sau, một vụ nổ lớn đã bất ngờ xảy ra khiến máy bay lắc lư, trần phía trên nhà vệ sinh phía sau máy bay bị xé toạc. Cùng lúc, mặt nạ dưỡng khí ở khoang hành khách và một thông báo tự động cũng được phát đối với các hành khách.
Sau khi thông báo được phát ra, một lớp sương mù trắng trong cabin được cho là do ngưng tụ hơi nước do giảm áp suất đã phủ kín cabin. Giấy tờ, khăn ăn, tạp chí, bất cứ thứ gì không được cố định đều bay tứ tung. Toàn bộ hành khách đều vô cùng hoảng loạn, gào thét.
Mọi thông số không cho thấy điều gì bất thường nhưng phi công nhận thấy áp lực dầu bên trong hệ thống điều khiển thủy lực đang giảm rất nhanh. Máy bay liên tục bị đổi hướng và mất kiểm soát. Sau nhiều cố gắng trấn giữ máy bay để tìm cách hạ cánh khẩn cấp, chiếc máy bay JAL123 vẫn lao xuống rất nhanh với tốc độ khoảng 5.500m/phút. Số phận của chiếc máy bay đã được định đoạt, rất nhiều hành khách đã chuẩn bị hồi kết, nhiều người đã để lại những dòng nhắn gửi người thân trên các mảnh giấy vụn.
Sau khi rơi tự do, máy bay đâm vào khu rừng rậm trên núi Osutaka (Takamagahara) sau 32 phút kể từ khi cất cánh. Đầu cánh phải và động cơ số 4 đập vào cây cối và đứt lìa. Máy bay va vào một sườn núi và trượt dài vào một khe núi khác. Nó bị lộn ngược trước khi dừng lại và phát nổ, văng các mảnh vỡ ra khắp nơi. Khung cảnh hiện trường lúc đó được mô tả như tận thế với đống đổ nát tan tành.
Ngay trong đêm 12/8, lực lượng quân tự vệ Nhật Bản đã kịp đến hiện trường, nhưng sai lầm lớn nhất là họ đã cho rằng không còn ai sống sót sau vụ tai nạn và thôi tìm kiếm. 14 giờ sau khi máy bay rơi, đội cứu hộ đã có mặt tại hiện trường và phát hiện có tới 4 hành khách trên còn sống sót là Yumi Ochiai, Keiko Kawakami, Hiroko Yoshizaki và Mikiko Yoshizaki.
Dù vậy, 520 người còn lại đã không được may mắn như thế. Theo Yumi Ochiai, sau khi máy bay rơi, cô đã nghe thấy tiếng rên rỉ vì đau đớn của rất nhiều người xung quanh. Cô nhận ra vẫn có một số người vẫn sống sót nhưng họ đã không thể vượt qua cái đêm lạnh giá đó. Nếu như đội cứu hộ ban đầu không bỏ đi thì có lẽ con số những nạn nhân còn sống sót sẽ không chỉ là 4 người.
Sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, chiếc Boeing 747 đã mất gần như toàn bộ phần đuôi, nơi chứa hệ thống thủy lực khiến cho máy bay bị mất kiểm soát. Lật lại sự việc, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vào thời điểm 7 năm trước khi xảy ra tai nạn, chiếc Boeing 747 đã gặp một tai nạn liên quan đến lỗi "dập đuôi" khiến máy đập vào đường băng khi cất cánh.
Quy trình sửa chữa máy bay khi đó đã không được thực hiện theo đúng quy trình khi phần bị thủng của vách ngăn theo nguyên tắc phải được nối bằng 2 hàng đinh tán, nhưng những kỹ thuật viên lại chỉ ghép nối chúng bằng 1 hàng đinh tán duy nhất, điều này đã khiến cho hàng đinh tán phải chịu lực nén gấp đôi so với thông thường.
Kể từ khi sửa chữa, chiếc máy bay đã cất cánh tổng cộng 20.319 lần. Khi máy bay đạt được độ cao 7.300m, sự chênh lệch áp suất bên trong cabin và không khí đã kéo căng đã khiến phần vách ngăn bị xé toạc và gây ra thảm kịch đau lòng.
Hiện tại, chiếc máy bay xấu số này vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng của hãng hàng không Japan Airlines cùng di vật của những hành khách tử nạn trong chuyến bay này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn