Theo lịch trình, vào sáng ngày 12/11/2001, chuyến bay mang số hiệu 587 của Hãng hàng không American Airlines sẽ thực hiện một chuyến bay thẳng như thường lệ từ Sân bay Quốc tế John F Kennedy (Mỹ) đến Sân bay Quốc tế Las Americas ở Santo Domingo, thủ đô của Cộng hòa Dominica. Dự kiến, chuyến bay sẽ kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ.
Sau khi chiếc Airbus A300 cất cánh vào lúc 9h13 và bay lên bầu trời trong xanh và hướng đến Santo Domingo với 260 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay, mọi chuyện tưởng chừng như rất êm đẹp.
Tuy nhiên, vào khoảng 9h15 sáng, khi chiếc máy bay đạt độ cao hơn 500 mét, nó bất ngờ có dấu hiệu mất kiểm soát và lắc lư không ngừng do nhiễu động từ chiếc Japan Airlines (Boeing 747) cất cánh vài phút trước đó gây ra.
Vào thời điểm đó, do Airbus A300 có hệ thống điều khiển bánh lái nhạy bất thường nên phi công thiếu kinh nghiệm có thể dễ dàng mắc sai lầm khi sử dụng quá nhiều lực lên bàn đạp bánh lái. Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong trường hợp của Chuyến bay 587, phi công Sten Molin (34 tuổi) không chỉ tạo áp lực quá mức lên bàn đạp bánh lái, anh ta cũng sử dụng bánh lái quá mức. Sự kết hợp của không khí mạnh và việc sử dụng bánh lái quá mức đã khiến Bộ ổn định thẳng đứng (vây đuôi) của máy bay bật ra giữa không trung.
Chỉ trong vài giây sau đó, lần lượt cả 2 động cơ đều tách khỏi máy bay, khiến chiếc máy bay đâm thẳng xuống khu vực Queens, thành phố New York vào lúc 9h17 và gây ra một vụ nổ dữ dội tại hiện trường vụ tai nạn. Vụ tai nạn đã khiến cho toàn bộ 251 hành khách, 9 thành viên phi hành đoàn trên máy bay và 5 người khác dưới mặt đất thiệt mạng.
Bên cạnh đó, nó cũng khiến 12 toà nhà khác bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân ở cách xa nơi xảy ra tai nạn hàng km vẫn có thể trông thấy các cột khói lớn bốc lên cao.
American Airlines sau đó đã đổ lỗi cho Airbus vì đã sản xuất một chiếc máy bay có bộ điều khiển bánh lái nhạy bất thường. Họ tuyên bố rằng phần lớn các máy bay yêu cầu tác dụng lực mạnh lên bàn đạp bánh lái để điều khiển máy bay nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng vụ tai nạn là do American Airlines huấn luyện phi công không đúng cách.
Sau khi NTSB điều tra kỹ lưỡng, người ta xác định rằng thiết kế của vây đuôi đã đạt tiêu chuẩn. Kể từ vụ tai nạn, American Airlines đã sửa đổi chương trình đào tạo phi công của mình để giúp họ hiểu rõ hơn về cơ chế bánh lái.
Đáng chú ý, thảm kịch này đã xảy ra chỉ 2 tháng sau khi vụ tấn công ngày 11/9 gây rúng động toàn thế giới. Tai nạn hàng không này đã khiến nhiều người dân thành phố New York, đặc biệt là cộng đồng người Domenica tại đây gặp khó khăn về mặt tinh thần trong một thời gian dài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn