Kháng nghị vì bản án sơ thẩm vi phạm pháp luật
Theo Quyết định kháng nghị số 833/QĐKNPT-VKS-DS của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đối với bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 120/2019 ngày 4/9/2019 của TAND TP Buôn Ma Thuột, thì: Bản án hôn nhân gia đình nêu trên đã quyết định:
Căn cứ các Điều 28, 55 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 71, 72, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 27 Nghị quyết 326 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Hoàng Hải, giao con chung là cháu Nguyễn Ngọc Châu, sinh ngày 24/7/2015 cho ông Hải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành. Bà Xuân được quyền đi lại thăm nom con chung…
Theo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, bản án hôn nhân gia đình số 120/2019 nói trên có những vi phạm sau:
"Về căn cứ giải quyết vụ án: Án sơ thẩm nhận định "Hiện tại bà Xuân đã kết hôn, sinh con và đang nghỉ sinh theo chế độ, thu nhập thực tế là 4,3 triệu đồng/tháng (làm tròn số). Ông Hải còn độc thân, có chỗ ở ổn định, thu nhập hàng tháng là 8 triệu đồng/tháng" để làm căn cứ giao cháu Châu cho ông Hải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng là đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ và giải quyết vụ án chưa phù hợp. Bởi lẽ theo quy định tại điểu b, Khoản 2, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con: "Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con".
Xét thấy, cháu Châu đã sống với bà Xuân từ trước đến nay. Bà Xuân là giáo viên mầm non, có công việc, thu nhập ổn định và nhà ở, đảm bảo cho cuộc sống và phát triển toàn diện của cháu Châu.
Ông Hải cho rằng bà Xuân hạn chế quyền thăm nom và thiếu chăm sóc cháu, nhưng ông không cung cấp chứng cứ chứng minh hiện tại bà Xuân không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định trên để làm căn cứ thay đổi người nuôi con.
Ngoài ra, sau khi thuận tình ly hôn thì các bên đã thỏa thuận ông Hải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Châu 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, căn cứ theo Quyết định số 150/QĐ-CCTHADS của Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột về việc chưa có điều kiện thi hành án đã xác định nội dung: Việc chưa có điều kiện thi hành án đối với ông Nguyễn Hoàng Hải. Ông Hải phải có nghĩa vụ cấp dưỡng 2 triệu đồng/tháng để nuôi cháu Châu, thời gian cấp dưỡng từ tháng 8/2016 đến tháng 9/2019, tổng số tiền 76 triệu đồng.
Như vậy, mặc dù ông Hải có thu nhập 8 triệu đồng/tháng, nhưng ông Hải đã không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng để nuôi con chung theo thỏa thuận, với lý do chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Châu, nên không thể xác định ông Hải có kinh tế đảm bảo nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Châu tốt hơn bà Xuân.
Xét thấy ông Hải không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo thỏa thuận từ tháng 8/2016 đến nay thể hiện ông Hải không quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của cháu Châu, nên cần sửa án sơ thẩm, giao cháu Châu cho bà Xuân trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành là phù hợp.
Về việc thu thập chứng cứ: Cấp sơ thẩm chưa tiến hành xác minh tại địa phương và trường học về điều kiện sinh sống và học tập hiện tại của cháu Châu khi sống cùng với bà Xuân để có căn cứ giải quyết vụ án là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ"…
"Cần phải xem xét trách nhiệm của cấp sơ thẩm"
Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khi nhận xét về vụ án này. Theo luật sư Tuấn, việc vị đại diện Viện KSND TP Buôn Ma Thuột chỉ căn cứ vào Điều 71, 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nội dung về Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 71); Nghĩa vụ và quyền giáo dục con (Điều 72) để đề nghị HĐXX sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của anh Nguyễn Hoàng Hải về thay đổi người trực tiếp nuôi con là một việc làm hết sức cẩu thả, thể hiện sự non kém về nghiệp vụ và kiến thức pháp luật.
Trong các vụ án tranh chấp quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn thì Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định rất rõ ràng ở Khoản 2, Điều 84, đó là: Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Vậy nhưng, vị đại diện Viện KSND TP Buôn Ma Thuột đã không thèm đếm xỉa đến điều luật quan trọng này.
Còn HĐXX TAND TP Buôn Ma Thuột mặc dù có viện dẫn điều luật này, nhưng họ vẫn bất chấp để tước quyền nuôi con của chị Xuân. Lý do của HĐXX chỉ là vì anh Hải có thu nhập 8 triệu đồng/tháng, sẽ có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Châu tốt hơn so với chị Xuân đang nghỉ thai sản, có thu nhập 4,3 triệu đồng/tháng.
Cháu Châu từ nhỏ vẫn ở với mẹ, chị Xuân lại là một cô giáo mầm non, chắc chắn sẽ có kiến thức để hiểu con trẻ hơn anh Hải. Và thực tế cũng đã chứng minh, từ khi ly hôn, anh Hải không hề cấp dưỡng cho con, nhưng chị Xuân vẫn nuôi dưỡng cháu Châu một cách đàng hoàng.
Vì vậy, quyết định nói trên của HĐXX cấp sơ thẩm là hết sức khiên cưỡng, không xem xét một cách toàn diện cho sự phát triển của cháu Châu. Chưa ai dám nói có tiêu cực trong vụ án này, nhưng quyết định vô lý đó cũng khiến cho nhiều người phải suy nghĩ"...
"Tôi tin rằng, phiên tòa phúc thẩm sắp tới của TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ khắc phục, sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng của bản án sơ thẩm, để cho cháu Châu tiếp tục được ở với mẹ, cho cháu có sự phát triển toàn diện về sau", luật sư Tuấn nói.
Báo PNVN sẽ tiếp tuc thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn