Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Luật quy định mức bồi thường tổn thất thế nào?
10:19 | 14/07/2018;
Theo khoản 2, Điều 592, Bộ Luật Dân sự 2015 thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Liên quan đến vụ việc trao nhầm con tại BV Đa khoa Ba Vì, hiện các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Do đó, cả phía BV và gia đình đã nộp đơn ra Tòa án Nhân dân huyện Ba Vì để nhờ giải quyết. Dư luận đặt câu hỏi, trong trường hợp này thì có căn cứ để xử lý vụ việc hay không, ai sẽ phải bồi thường (nếu có) và số tiền là bao nhiêu?
Theo Luật sư Phạm Văn Lượng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) vấn đề giải quyết trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì hai bên đã không thỏa thuận được nên có quyền gửi đơn khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.
Về căn cứ bồi thường thiệt hại (BTTH): Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Theo đó, trách nhiệm BTTH phát sinh khi có các điều kiện:
(i) Có thiệt hại xảy ra: Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần.
(ii) Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật: Đối với trường hợp trao nhầm con ở BV Ba Vì, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật khi đã vô ý trong công việc, không thực hiện đầy đủ những quy tắc nghề nghiệp dẫn đến việc trao nhầm con cho hai gia đình.
(iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra: Ở đây, thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần mà hai gia đình phải gánh chịu xuất phát từ nguyên nhân trao nhầm con của nhân viên y tế.
Theo luật sư Lượng, người trao nhầm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể là bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.
Trường hợp này áp dụng Quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra theo Điều 597 Bộ luật dân sự 2015.
Về nguyên tắc, người gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại đó. Tuy nhiên, trong trường hợp người gây thiệt hại là người đang thực hiện nhiệm vụ mà pháp nhân đã giao cho họ thì trách nhiệm pháp định về bồi thường thiệt hại lại thuộc về pháp nhân.
Như vậy, theo Điều 597, Bộ luật Dân sự 2015 (quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra) thì phải xác định trách nhiệm trong chuyện này là của pháp nhân, tức BV Ba Vì. BV phải có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình bị trao nhầm con bởi hành vi trao nhầm con của nhân viên BV gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Sau đó BV có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi (y tá, hộ sinh, bác sĩ…) trong việc trao nhầm hai đứa trẻ, phải bồi thường lại cho BV. Thông thường là trừ vào thu nhập, nếu cá nhân đó nghỉ việc hoặc không tự nguyện trả thì BV có quyền khởi kiện đòi bồi thường.
Trong chuyện này phải xác định đây là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do vậy, hai gia đình có quyền yêu cầu bồi thường về hai khoản: vật chất và tinh thần. Nếu hai gia đình và BV không tự thỏa thuận được thì họ có quyền khởi kiện ra tòa.
Về tổn thất tinh thần (theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015) trong chuyện này là danh dự, uy tín của hai gia đình bị xâm hại do việc giao nhầm con gây ra. Những tổn thất đó có thể là lo lắng khiến đau ốm, vợ chồng nghi ngờ lẫn nhau khiến cuộc sống gia đình đổ vỡ.
Theo khoản 2, Điều 592, Bộ luật Dân sự 2015 thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Khoản bồi thường vật chất gồm các phí hợp lý để hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại do hành vi có lỗi của BV gây ra. Chẳng hạn như chi phí đi lại, giám định, chi phí đi xác minh sự thật khách quan, chi phí đi làm lại giấy tờ hộ tịch và các chi phí hợp lý khác. Đó được gọi chung là những thiệt hại vật chất do quyền lợi hợp pháp của hai gia đình bị xâm hại. Những chi phí trên này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.
Như PNVN đã thông tin, năm 2012, gia đình anh Phùng Giang Sơn (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) đưa vợ đến BV Đa khoa Ba Vì để sinh.
Khi nhân viên y tế bàn giao con cho anh, anh thấy tã lót khác màu nên có hỏi lại. Tuy nhiên, nhân viên y tế khẳng định bị nhầm tã lót chứ không nhầm cháu.
Càng lớn, gia đình thấy con chẳng có nét giống vợ chồng anh nên đưa con đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, bé không cùng huyết thống, không phải là con của vợ chồng anh.
Sau khi phản ánh, BV Đa khoa Ba Vì đã xác định được con anh Sơn được trao nhầm cho gia đình chị Vũ Thị Hương (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội). Kết quả xét nghiệm ADN tại Viện Khoa học Hình sự- Bộ Công an cho thấy, có việc trao nhầm con giữa hai gia đình.
Cả hai gia đình rất mong muốn BV khẩn trương giải quyết sự việc để 2 cháu nhanh chóng được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, BV lần lữa không thực hiện. Vì vậy, gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội nhanh chóng xác minh, xử lý vụ việc trên. Được biết, vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn vì cho rằng bé Đoàn Nhật M. không giống bố, cũng chẳng giống mẹ.