Vụ trao nhầm con: Quy trình trao nhận con ở bệnh viện như thế nào?
19:22 | 12/07/2018;
Vụ trao nhầm con trai tại BV Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) đang được dư luận rất quan tâm, nhất là với những thai phụ chuẩn bị sinh con. Nhiều người đặt câu hỏi, quy trình trao nhận con tại các BV như thế nào? Trong quá trình trao nhận trẻ sơ sinh, làm thế nào để đảm bảo an toàn, trao đúng con cho gia đình?
Tại các BV lớn, các bác sĩ phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt từ khi thai phụ nhập viện đến khi con trở về bên mẹ an toàn.
Theo đó, khi thai phụ nhập viện, nhân viên y tế sẽ nhập tất cả thông tin vào máy tính. Mỗi thai phụ sẽ có một mã số, bệnh án khác nhau.
Sau khi làm thủ tục, thai phụ được chuyển đến phòng đẻ. Khi sinh, nhân viên y tế sẽ đỡ đẽ cho sản phụ.
Trong trường hợp mổ để, sản phụ được gây tê tủy sống nên hoàn toàn tỉnh táo. Trước khi tiến hành ca mổ, hộ sinh sẽ rút bộ số gồm hai dây số giống hệt nhau, đưa cho mẹ xác nhận. Trên sợi dây ghi đầy đủ thông tin mẹ và bé.
Đối với trường hợp sinh thường, bé khỏe, ngay sau khi sinh, bé sẽ được đeo dây số còn lại rồi cho bé nằm cạnh mẹ trên giường để thực hiện kỹ thuật da kề da. Mọi việc vệ sinh, mặc đồ, quấn khăn cho bé được hộ sinh thực hiện ngay tại chỗ, bên cạnh mẹ. Mẹ và bé sau đó được đưa về phòng sau đẻ. Khoảng 24h mẹ và con sẽ được xuất viện.
Đối với trường hợp sinh mổ, sau khi lấy bé ra khỏi bụng mẹ thì được đeo luôn dây số vào chân. Trong khi chờ các bác sĩ khâu vết mổ cho mẹ, bé tạm thời được chuyển về phòng đẻ, nằm trên giường ấm. Dù vậy, mã số đeo ở tay trẻ không được phép tháo rời và thay đổi. Sau khi công đoạn này hoàn thành, mẹ sẽ cùng con chuyển lên phòng hậu phẫu.
Trong quá trình nằm viện, bé sẽ được tắm hằng ngày. Tuy nhiên, hộ sinh phải luôn đảm bảo mã số đeo ở tay (chân) trẻ không bị tháo rời suốt quá trình vệ sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong quá trình sinh, nguy cơ trao nhầm trẻ vẫn có và nguyên nhân thường do nữ hộ sinh. Vì vậy, khi đeo số cho mẹ và bé, nữ hộ sinh cũng cần phải kiểm tra xem đã đeo đúng số cho cả 2 mẹ con chưa. Với những trường hợp trao nhầm trẻ, Thứ trưởng Tiến cho rằng có thể trong quá trình chăm sóc trẻ trước khi trao cho mẹ, khiến dây bị lỏng, rơi ra nên dẫn đến nhầm lẫn.
Như PNVN đã thông tin, năm 2012, gia đình anh Phùng Giang Sơn (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) đưa vợ đến BV Đa khoa Ba Vì để sinh.
Khi nhân viên y tế bàn giao con cho anh, anh thấy tã lót khác màu nên có hỏi lại. Tuy nhiên, nhân viên y tế khẳng định bị nhầm tã lót chứ không nhầm cháu.
Càng lớn, gia đình thấy con chẳng có nét giống vợ chồng anh nên đưa con đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, bé không cùng huyết thống, không phải là con của vợ chồng anh.
Sau khi phản ánh, BV Đa khoa Ba Vì đã xác định được con anh Sơn được trao nhầm cho gia đình chị Vũ Thị Hương (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội). Kết quả xét nghiệm ADN tại Viện Khoa học Hình sự- Bộ Công an cho thấy, có việc trao nhầm con giữa hai gia đình.
Cả hai gia đình rất mong muốn BV khẩn trương giải quyết sự việc để 2 cháu nhanh chóng được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, BV lần lữa không thực hiện. Vì vậy, gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội nhanh chóng xác minh, xử lý vụ việc trên. Được biết, vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn vì cho rằng bé Đoàn Nhật M. không giống bố, cũng chẳng giống mẹ.