Trên thực tế, chúng ta dành khoảng 1/4 đến 1/3 cuộc đời của mình để ngủ. Nếu không có giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ ban đêm thì cơ thể sẽ khó có thể tiếp tục hoạt động, làm việc bình thường.
Chúng ta cũng thường nghe những lưu ý về giấc ngủ lành mạnh như đi ngủ sớm trước 22 giờ, ngủ đủ 8 tiếng một ngày… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những việc nên hoặc không nên làm ngay trước khi đi ngủ. Trong đó có 4 hành vi mà khi vừa làm xong thì tuyệt đối đừng đi ngủ ngay kẻo “rước họa vào thân”:
Với rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi thì đi tắm trước khi đi ngủ không chỉ là thói quen mà còn là một cách tận hưởng cuộc sống. Bởi vì họ thường có xu hướng thức khuya, dành thời gian cho sở thích hoặc công việc đến khi đi ngủ mới đi tắm. Cảm giác sạch sẽ, mát mẻ hoặc thư giãn với nước những tưởng khiến họ dễ ngủ hơn nhưng thực chất khoa học lại chứng minh điều ngược lại.
Nếu là mùa hè, nước lạnh có thể khiến bạn tỉnh táo hơn. Còn nếu tắm nước ấm, nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên, khiến não trì hoãn việc tiết ra hormone gây buồn ngủ.
Đặc biệt, việc tắm khiến cơ thể dễ tăng huyết áp, gây căng thẳng cho tim. Chưa kể đến việc nhiệt độ giữa phòng tắm với phòng ngủ, hoặc trong nhà với ngoài trời có thể có chênh lệch lớn. Nếu ngay lập tức đi ngủ sau khi tắm có thể khiến nhịp tim bị rối loạn, khó thở, thậm chí làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, hãy tắm trước khi đi ngủ ít nhất 1 giờ đồng hồ và hạn chế tắm sau 10 giờ đêm để bảo vệ sức khỏe.
Thói quen xấu này thường gặp ở những người quá bận rộn, ăn tối quá muộn hoặc những người có sở thích ăn khuya.
Đi ngủ ngay sau khi ăn no có thể làm tăng áp lực lên dạ dày và gánh nặng cho hệ tiêu hóa, khiến cơ thể khó tiêu hóa thức ăn. Đồng thời, tốc độ trao đổi chất của cơ thể giảm xuống trong khi ngủ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến những khó chịu như đầy bụng, ợ chua, trào ngược axit và thậm chí là rối loạn tiêu hóa như loét dạ dày, viêm dạ dày. Ngoài khó ngủ thì lâu dần còn có thể mang đến rất nhiều bệnh lý nguy hiểm cho dạ dày.
Chưa kể tới, đi ngủ ngay sau khi ăn no còn khiến bạn nhanh tăng cân, đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Lý do là ăn no sau đó ngủ ngay sẽ khiến dạ dày căng to, đẩy cơ hoành lên chèn ép cản trở hoạt động của tim. Với những người cao tuổi, người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp còn có thể gây biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Ảnh minh họa
Để cơ thể khỏe mạnh, khung giờ ăn tối tốt nhất là từ 17 đến 20 giờ và tuyệt đối không ăn thêm gì sau 22 giờ. Nếu buộc phải ăn muộn, hãy thư giãn hoặc đi lại nhẹ nhàng để dạ dày tiêu hóa bớt và chỉ đi ngủ sau khi ăn ít nhất 20 phút.
Đầu tiên, chúng ta phải khẳng định rằng ngâm chân nước ấm có rất nhiều lợi ích. Từ việc giảm đau nhức cơ thể, tăng tuần hoàn máu, thư giãn, giảm căng thẳng cho đến dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, bạn không nên đi ngủ ngay sau khi ngâm chân.
Bởi vì khi ngâm chân với nước ấm, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên và quá trình lưu thông máu sẽ tăng tốc. Trong khi đó, tốc độ và hiệu quả trao đổi chất của cơ thể sẽ giảm trong khi ngủ. Nếu bạn đi ngủ ngay lập tức, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ chậm lại, khiến nhiệt lượng trong cơ thể không được thải ra ngoài kịp thời.
Như vậy không chỉ gây khó chịu cho cơ thể, đổ mồ hôi và các triệu chứng khó chịu khác mà còn phản tác dụng gây khó ngủ, mất ngủ. Ngoài ra, hành động này cũng gây áp lực cho tim mạch và não bộ, khá nguy hiểm với những người có bệnh lý thuộc hai nhóm này.
Theo các chuyên gia, chúng ta nên ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút. Sau khi ngâm chân xong, đừng vội nằm xuống hay đi ngủ luôn mà nên vận động nhẹ nhàng như đi lại, giãn cơ tại chỗ, massage cơ thể hoặc chỉ đơn giản là đọc sách, nghe nhạc, xem phim… trong 15 phút. Điều này giúp đẩy hiệu quả ngâm chân lên mức độ cao nhất, đồng thời có quãng nghỉ để nhiệt độ cơ thể trở về bình thường, kích thích não bộ tiết ra hormone buồn ngủ và ngủ sâu hơn.
Không khó để bắt gặp những người lập tức lên giường đi ngủ sau khi vừa vận động mệt nhọc hoặc tập thể dục thể thao gắng sức vào buổi tối. Thói quen này phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi bận rộn, nhất là những người muốn tập thể dục thể thao nhưng lại không thể đến phòng tập, không sắp xếp được thời gian ban ngày.
Nghe có vẻ hợp lý nhưng thực chất điều này lại là phản khoa học. Bởi việc vận động căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến cho giấc ngủ không sâu. Chưa kể, vận động mạnh khiến nhịp tim và huyết áp tăng, nếu ngay lập tức đi ngủ có thể dẫn tới nhiều nguy cơ biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Thay vào đó, hãy chỉ chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, giãn cơ, yoga đơn giản, thiền… vào buổi tối, nhất là trong 2 giờ trước khi đi ngủ. Nếu buộc phải vận động mạnh, hãy thư giãn nhẹ nhàng, chờ cơ thể trở về trạng thái ổn định sau ít nhất 30 phút mới nằm xuống nghỉ ngơi.
Ngoài ra, nếu vừa khóc, tức giận hoặc sợ hãi thì bạn cũng không nên đi ngủ ngay. Cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, rối loạn nội tiết, tác động tiêu cực tới huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nếu rơi vào trạng thái này, dù bạn có ngủ trên 8 tiếng thì ngày hôm sau vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi, toàn thân yếu ớt, lặp đi lặp lại cũng rất dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn