"Có bao nhiêu tiền trong tài khoản mới tự tin xin nghỉ việc?" là thắc mắc chung của nhiều dân văn phòng. Hãy cùng gặp 3 bạn trẻ dưới đây, những người đang có dự tính "nhảy việc" ngay sau Tết Nguyên đán để xem họ đã chuẩn bị tiền nong như thế nào.
Đó là câu chuyện của Thục Anh (26 tuổi, Hà Nội) đang làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Theo cô nàng, thưởng Tết là lý do duy nhất "níu chân" Thục Anh ở công ty cũ. Còn thực tế, Thục Anh đã ấp ủ dự định chuyển sang môi trường mới với những người đồng nghiệp mới từ lâu.
Thục Anh chia sẻ: "Lý do xin nghỉ công ty cũ kể đến thì nhiều. Một phần vì văn hóa phòng ban dần trở nên "độc hại". Những người đồng nghiệp thân thiết dần rời đi khiến mình không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cấp trên, cũng như cảm thấy vui vẻ với công việc. Lý do quan trọng khác là khối lượng công việc nặng. Trong khi đó, mình không tìm thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi làm việc tại đây".
Tìm việc giữa làn sóng sa thải vẫn còn tiếp tục nối dài ở các công ty, do đó Thục Anh cũng lo ngại khó tìm thấy cơ hội phù hợp. Hiện, cô nàng đang có khoản phòng thân 200 triệu đồng. Tuy nhiên, Thục Anh chỉ hy vọng thời gian thất nghiệp kéo dài 1-3 tháng. Cô mong bản thân không cần động đến quỹ phòng thân kia, mà chỉ cần dùng tiền lương từ khoản đầu tư cộng với lương tháng làm việc cuối cùng.
Hiện, Thục Anh đã chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ để vừa ra Tết có thể nộp đơn xin việc ở công ty mới. Thục Anh cho hay, dù có "dứt áo ra đi" đột ngột nhưng cô vẫn cố gắng hoàn thành công việc ở công ty cũ để không tạo tiếng xấu cho bản thân.
"Về chuyện nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng Tết, mình thấy đó là điều bình thường. Điều này không đủ để kết luận nhân sự có 'vô ơn' hay 'thiếu trách nhiệm' với sếp, miễn là khi còn làm việc tại đây, mình đã cống hiến và nỗ lực như thế nào", Thục Anh bày tỏ.
Một trường hợp khác, Lê Trà (24 tuổi, Hà Nội) - một nhân viên trong lĩnh vực Ngân hàng - vừa trải qua những ngày tháng mệt mỏi khi đi làm vào thời gian trước nghỉ Tết. Tương tự Thục Anh, những người đồng nghiệp trong ban của Lê Trà cũng lần lượt rời đi, bất chấp năm vừa qua là thời điểm khó khăn kinh tế. Điều này cho thấy, môi trường văn hoá và áp lực công việc tại công ty của Lê Trà đang làm gây sức ép lớn cho nhân viên thế nào.
Tuy nhiên, Lê Trà không mấy lạc quan khi nghĩ đến triển vọng có thể được thôi việc của bản thân. Cô chia sẻ: "Mình nghĩ sau khi nộp đơn xin nghỉ việc thì cần đến 2-3 tháng sau mới có thể rời công ty, hoặc đen đủi hơn là kéo dài nửa năm. Bởi lẽ giờ bộ phận của mình từ 7 người giảm xuống còn 3 người, bao gồm mình, 1 chị lớn tuổi hơn và sếp. Sếp là người dìu dắt mình trong những ngày đầu mới tìm việc, nên mình không thể bỏ đi khi chị ấy gặp khó khăn về tình trạng nhân sự. Có một lần, mình chỉ tình cờ xem qua trang web tuyển dụng việc làm, chị ấy đã đánh tiếng là 'Không được nghỉ việc'".
Theo Lê Trà, mọi người có thể nghỉ việc khi tài khoản tiết kiệm đã có 2 tháng lương. Bên cạnh đó, bạn cần tính toán đến những rủi ro nếu không thể xin được việc trong thời gian ngắn. Chẳng hạn như thời gian thất nghiệp kéo dài hơn bạn nghĩ, bạn có thể về quê để giảm bớt chi phí sinh hoạt hay không? Hoặc khi đó, bạn có sẵn sàng bớt tiêu xài một số khoản chi phí không cần thiết như mua quần áo, mỹ phẩm… hay không?
"Tuy nhiên, hiện giờ mình dự tính sẽ phải làm tại công ty lâu hơn. Do đó, mình đang cố gắng tích lũy càng nhiều tiền bạc càng tốt, tránh lúc thất nghiệp bị 'rỗng túi' thì không biết vay mượn từ ai", Lê Trà chia sẻ.
Mai Hiên (26 tuổi, Hà Nội) vừa trải qua một cái Tết vui vẻ hơn mọi năm. Bởi lẽ sắp tới cô không chỉ thuận lợi rời công ty cũ mà còn nhận được lời mời công việc mới trước khi quyết định xin nghỉ. Hiện, Mai Hiên vẫn đang làm nhân viên kế toán cho một công ty khởi nghiệp nhỏ. Sau Tết, cô nàng vẫn cố gắng hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ ở công ty cũ, trước khi chính thức sang môi trường mới.
"Tài khoản tiết kiệm của mình giờ còn đúng 50 triệu đồng thôi. Tuy nhiên, mình không quá lo lắng vì đã tìm thấy công việc mới. Trong tương lai, mình dự tính sẽ nỗ lực kiếm tiền nhiều hơn, chăm chỉ tiết kiệm để quỹ dự phòng gia tăng. Bởi mình biết tuổi tác đã không còn trẻ, trong khi cơ hội may mắn như lần tìm việc này sẽ khó lặp lại", Mai Hiên tâm sự.
Theo Mai Hiên, tài chính có vai trò quan trọng trong các quyết định nghỉ việc của cô. Cũng vì thế, nếu chưa tìm được công việc mới, Mai Hiên chắn chắn sẽ không nghỉ việc luôn nếu tài khoản tiết kiệm chưa được dư dả.
"Trước đó, mình từng rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế và không biết vay mượn tiền từ ai. Nếu có nghỉ việc, mình phải tìm được công việc mới, để bản thân có đủ tự tin sống tốt trong thời gian thất nghiệp. Một khoản tiết kiệm bằng 6 tháng lương là ví dụ", Mai Hiên cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn