Nhiều người sau khi kết hôn vẫn phải xa vợ, xa chồng để kiếm tiền vì dù sao cuộc sống cũng phải tiếp diễn. Tuy nhiên khi vợ chồng xa nhau, nhiều vấn đề sẽ xảy ra, nếu không có đủ tình yêu và sự tin tưởng, thấu hiểu và cảm thông thì sớm muộn gì vợ chồng cũng cãi vã, hôn nhân khó bền lâu.
Chẳng hạn như người đàn ông Trung Quốc này, sau khi kết hôn không lâu anh lại phải lên đường đi làm ăn xa. Mỗi tháng anh đều gửi về cho vợ 8.000 tệ (khoảng 27 triệu đồng), chỉ giữ lại cho mình một chút để ăn tiêu. Mỗi lần gửi tiền về cho vợ, vợ lại sắm sửa quần áo mới gửi cho anh khiến người đàn ông cảm thấy rất vui sướng, trong lòng ngập tràn hạnh phúc và càng có thêm động lực để làm việc.
Tuy nhiên do tính chất công việc, đường sá xa xôi lại cộng thêm bệnh dịch nên năm đầu sau khi kết hôn, người đàn ông không thể về nhà với vợ được. Mãi tới gần đây, khi đã lấy vợ được 2 năm thì anh mới có dịp về thăm vợ, thăm gia đình.
Vừa về tới nhà sau 2 năm làm xa, người đàn ông liền đuổi vợ ra khỏi nhà.
Thế nhưng sau khi về nhà, anh kiểm tra tài khoản tiết kiệm thì chết lặng. Trong 2 năm qua vợ anh không hề tiết kiệm được một đồng nào dù mỗi tháng anh gửi cho vợ tới gần 30 triệu đồng.
Không hiểu vợ tiêu pha kiểu gì, người chồng tức giận tra hỏi vợ và nhận được câu trả lời là “chi tiêu cho sinh hoạt gia đình”. Nhưng khi được chồng hỏi mua những gì, hóa đơn đâu thì người vợ lại không lấy ra được.
Sống ở quê chi phí sao có thể đắt đỏ ở thành phố được, cho nên người chồng nghi ngờ vợ không chung thủy, lấy tiền mình cực khổ làm ra đưa cho người đàn ông khác bên ngoài. Tuy nhiên đó chỉ là nghi ngờ, anh không có bằng chứng.
Không làm gì được, người đàn ông gói ghém đồ đạc của vợ vào vali rồi đuổi cô ra khỏi nhà. Anh vừa đuổi vừa chửi vợ, làm kinh động cả hàng xóm xung quanh. Chứng kiến cảnh tượng này, hàng xóm vội chạy lại khuyên nhủ, nói đỡ cho người vợ nhưng anh chồng nhất quyết không nghe, một mực đuổi vợ ra khỏi nhà.
Nguyên nhân anh đuổi vợ ra khỏi nhà là vì vợ không tiết kiệm được đồng nào trong 2 năm qua.
Sự việc sau khi được đăng tải lên mạng xã hội cũng nhanh chóng gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người đồng ý kiến với anh chồng, cho rằng vợ tiêu hoang, không biết tiết kiệm nhưng cũng không nên đuổi vợ đi như vậy mà thay vào đó hai vợ chồng nên thống nhất cách chi tiêu, quản lý tiền bạc thì hơn.
Một số người bình luận: “Hai năm số tiền chồng gửi về cũng gần 650 triệu chứ đâu ít. Cứ cho cô vợ ở nhà không đi làm đi, nhưng cô ta không tiết kiệm được 300 triệu thì chí ít cũng nên dành dụm để ra được 100 triệu chứ? Đằng này một xu cũng không có, tiêu như vậy núi vàng núi bạc cũng hết sạch”; “Có thể cô vợ không giỏi quản lý tài chính, nhưng người chồng cũng không nên vì chuyện này mà đuổi cô ấy đi”,…
Tuy nhiên, cũng có người bào chữa thay cho người vợ rằng anh chồng vốn dĩ đi làm ăn xa, không biết chi phí đắt đỏ như thế nào. Thậm chí, có người nói anh chồng đừng nghĩ gửi cho vợ được từng ấy tiền mà nghĩ là to tát, thay vì chê trách vợ thì anh ta nên nghĩ làm sao kiếm được nhiều tiền hơn.
Thực ra, một tháng tiêu bao nhiêu tiền mới hợp lý, mới đủ là một câu hỏi khó, vì nó còn tùy thuộc vào mức thu nhập và cách chi tiêu của từng gia đình. Có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều nhưng suy cho cùng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nếu kiếm được 10 đồng tiêu hết cả 10 thì đến những lúc ốm đau, công việc đột xuất cần dùng đến tiền thì biết xoay sở ra sao?
Nhưng điều quan trọng hơn cả là hai vợ chồng cần phải thống nhất được vấn đề tiền bạc, đừng để tiền bạc chi phối kẻo ảnh hưởng mối quan hệ của cả hai. Vậy làm thế nào để tiền bạc không chi phối tình cảm vợ chồng?
- Công khai các vấn đề tiền bạc cá nhân trước khi kết hôn:
Đây có thể là số tiền bạn kiếm được một tháng, khoản tiền tiết kiệm, số nợ hay tiền phải chu cấp hàng tháng cho bố mẹ,… Công khai rõ ràng là để tạo sự tin tưởng giữa hai vợ chồng, đồng thời để nửa kia thông cảm cho bạn, còn nếu giấu giếm thì mọi việc sẽ ngày càng tồi tệ hơn mà thôi.
- Quy tiền bạc về một mối:
Khi quy tiền bạc về một mối, bạn sẽ hạch toán được tổng thu nhập của hai vợ chồng là bao nhiêu, cần tiêu bao nhiêu, tiết kiệm một tháng được bao nhiêu. Như vậy, tình hình kinh tế của gia đình mới tốt lên được. Tuy nhiên, “tay hòm chìa khóa” không cứ nhất thiết phải là người vợ, ai quản lý tài chính tốt hơn thì nên để người đó nắm giữ.
- Thống nhất các quan điểm tiền bạc:
Cả hai thống nhất tiền bạc trong nhà do ai nắm giữ, các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong gia đình, hay trước khi quyết định vấn đề gì thì hai vợ chồng nên bàn bạc với nhau,… Có như vậy, hai vợ chồng mới không nghi kỵ, hạch sách lẫn nhau, bị tiền bạc chi phối hạnh phúc.
- Phải luôn có một ít tiền riêng:
Dù quy tiền bạc về một mối thì người còn lại vẫn nên có một ít tiền riêng để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày như tiền xăng xe, giao lưu với bạn bè,… Còn nếu đưa hết tiền, việc gì cũng phải ngửa tay xin đối phương thì về lâu về dài sẽ tạo tâm lý không thoải mái cho cả hai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn